Với chức năng, vai trò của mình, các cấp công đoàn đã tập hợp, khuyến khích, vận động đoàn viên, công nhân - lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp gương mẫu đi đầu trong các hoạt động xây dựng NTM. Lực lượng CNVC-LĐ tỉnh nhà đã đi đầu và vận động nhân dân chấp hành việc giải tỏa hành lang, hiến đất, hiến cây, chỉnh trang khuôn viên vườn tược, đóng góp kinh phí, ngày công...
Cán bộ, đoàn viên công đoàn xã Cẩm Thăng (Cẩm Xuyên) tham gia cắm mốc quy hoạch nông thôn mới. |
Ông Đặng Đình Giang – Chủ tịch Công đoàn Văn phòng Điều phối chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh đánh giá: “Thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM, tổ chức công đoàn đã nhận thức và thể hiện rõ vai trò, vị thế của mình. Mỗi CBCNVC, đoàn viên công đoàn vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao và phát huy được tính chủ động, sáng tạo. Từ đội ngũ cán bộ quản lý đến người lao động đã tích cực lao động, sáng tạo, tham gia cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đưa các tiến bộ KHKT vào sản xuất, hoàn thành các mục tiêu KT–XH của tỉnh trên lĩnh vực NN-PTNT”.
Xác định một trong những trọng tâm của phong trào xây dựng NTM là tập trung đẩy mạnh làm GTNT, thủy lợi nội đồng, các công đoàn ngành, LĐLĐ cấp huyện đã vận động công đoàn cơ sở phối hợp với chuyên môn quyên góp hỗ trợ bằng vật chất giúp các xã đơn vị nhận đỡ đầu, các thôn xóm đăng ký làm xóm kiểu mẫu. Thực tiễn cho thấy, sự giúp đỡ, hỗ trợ của tổ chức công đoàn đã góp phần tích cực để hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng các địa phương, tiêu biểu như: TP Hà Tĩnh, Hương Sơn, Đức Thọ, Lộc Hà...
Ông Phạm Viết Công – Chủ tịch LĐLĐ huyện Cẩm Xuyên phấn khởi: “Thời gian qua, công tác đỡ đầu các xã thực hiện xây dựng NTM đã được tổ chức công đoàn quan tâm, chỉ đạo thực hiện tốt và được đông đảo đoàn viên nhiệt tình hưởng ứng. Riêng trên địa bàn Cẩm Xuyên, những tháng gần đây, LĐLĐ huyện đã phối hợp với Trường Cao đẳng nghề công nghệ Hà Tĩnh, Sở Xây dựng hỗ trợ 15 ca máy xúc trị giá gần 53 triệu đồng để làm đường liên xã Cẩm Hòa – Cẩm Yên; hỗ trợ xã Cẩm Bình làm giao thông nội đồng trên cánh đồng mẫu và nhiều hoạt động thiết thực khác giúp đỡ các địa phương”.
Trong quá trình xây dựng NTM, tổ chức công đoàn đã để lại những dấu ấn khá rõ nét trong việc vận động đoàn viên gương mẫu đi đầu trong XĐGN, phát triển kinh tế. Dù chưa có nguồn vốn để hỗ trợ, cho vay, nhưng sự tạo điều kiện, động viên của tổ chức công đoàn đã giúp nhiều đoàn viên mạnh dạn đầu tư, mở rộng SXKD, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống. Lực lượng CNVC-LĐ đã thực hiện tốt phương châm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” trong phát triển kinh tế nên tỷ lệ hộ nghèo trong CNVC-LĐ hiện nay hầu như không còn.
Theo khảo sát của LĐLĐ tỉnh, hiện có 152 mô hình kinh tế do đoàn viên công đoàn làm chủ phát huy hiệu quả; tiêu biểu như: các mô hình nuôi tôm của anh Nguyễn Công Hoàng, Lưu Quang Cần - Công đoàn ngành NN&PTNT (doanh thu mỗi năm 4,5 – 5 tỷ đồng); nuôi lợn và cá của chị Lê Thị Hồng Nga ở Hương Sơn (doanh thu 2,9 tỷ đồng/năm); nuôi hươu của cô Nguyễn Thị Hương – giáo viên Trường Tiểu học Sơn Lâm (doanh thu 1,5 tỷ đồng/năm) và hàng trăm mô hình khác mỗi năm có doanh thu từ 300 triệu đến vài tỷ đồng. Nhìn chung, các mô hình kinh tế do các đoàn viên công đoàn làm chủ đều mang tính bền vững.
Các mô hình này không chỉ là minh chứng sống động cho sự nhạy bén, dám nghĩ, dám làm, tinh thần xung kích trên mặt trận phát triển kinh tế của đội ngũ CNVC-LĐ mà còn góp phần quan trọng để tuyên truyền, vận động nhân dân, nhân rộng các mô hình, điển hình kinh tế, đẩy mạnh công cuộc XĐGN và xây dựng NTM.
Tiến Dũng
Nguồn baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn