Trong những năm qua, diện tích rừng, lợi ích kinh tế từ rừng được khẳng định, giá trị sản xuất và xuất khẩu tăng nhanh. Công tác bảo vệ, phát triển rừng ngày càng được xã hội hóa, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Năm 2013, sản xuất cây giống 8,1 triệu cây; công tác khoán bảo vệ rừng phòng hộ 10.700/10.700 ha theo kế hoạch của Bộ NN-PTNT giao, đạt 100%; bảo vệ rừng đặc dụng 51.571/51.571 ha đạt 100%. Rừng đã và đang giữ vai trò to lớn cho phòng hộ, chống xói mòn và bảo vệ môi trường sinh thái của tỉnh.
Công nhân chăm sóc vườn lim tái sinh
Ông Hán Duy Anh, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Hà Tĩnh cho biết: Thời gian qua, Chi cục đã phối hợp chặt chẽ với các BQL rừng đặc dụng, các huyện, xã tiến hành điều tra thu thập số liệu và xây dựng các quy hoạch, kế hoạch, đề án thuộc lĩnh vực lâm nghiệp như: Đề cương nhiệm vụ dự toán lập quy hoạch bảo tồn và phát triển khu rừng đặc dụng tỉnh; đề cương nhiệm vụ và dự toán Quy hoạch vùng nguyên liệu phục vụ các nhà máy chế biến lâm sản giai đoạn 2013 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030; điều chỉnh quy hoạch phát triển cao su giai đoạn 2011 - 2020; đề cương nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng huyện Nghi Xuân; tham mưu triển khai chính sách chi trả Dịch vụ môi trường rừng và Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh; xây dựng Đề án tái cơ cấu lĩnh vực lâm nghiệp.
Công tác trồng rừng cũng được các địa phương, đơn vị và chủ rừng quan tâm. Nhờ đó đã có diện tích rừng phòng hộ cần được đầu tư khoán bảo vệ trên địa bàn các Ban quản lý và Công ty lâm nghiệp 100.347 ha, bảo vệ rừng đặc dụng 74.166,4 ha.
Năm nay ngành lâm nghiệp Hà Tĩnh cũng nhận được nguồn vốn đầu tư rất có hiệu quả, tổng vốn năm 2013 phân bổ 33,673 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn đầu tư phát triển 16,157 tỷ đồng, nguồn vốn sự nghiệp kinh tế 8,68 tỷ đồng và vốn bổ sung trả nợ một số hạng mục lâm sinh đã thực hiện hoàn thành từ năm 2012 trở về trước 8,836 tỷ đồng. Đến nay các đơn vị đã giải ngân được 11 tỷ đồng.
Để công tác BV&PTR tiếp tục đạt được kết quả cao hơn trong năm 2014, ông Đặng Ngọc Sơn, GĐ Sở NN-PTNT Hà Tĩnh cho rằng: Ngành lâm nghiệp cần xây dựng tốt đề án tái cơ cấu lĩnh vực lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trước mắt tập trung cải tiến và nâng cao chất lượng giống cây rừng bằng công nghệ sinh học để nâng cao năng suất rừng trồng.
Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, tuyên truyền vận động nhân dân, các đoàn thể cùng tham gia vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đặc biệt là các hộ dân sống gần rừng, trong rừng được tuyên truyền, tiếp cận và hiểu biết các chủ trương chính sách, pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng...
Anh Bình - Trà Giang
Theo nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn