Sản xuất đồ mộc tại cụm công nghiệp Thái Yên (Đức Thọ) |
“Đề án phát triển Cụm công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020” do UBND tỉnh Hà Tĩnh xây dựng nhằm mục đích nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, đẩy mạnh phát triển sản xuất, tăng thu hút đầu tư vào sản xuất, kinh doanh trong cụm, gia tăng chuỗi giá trị hàng hóa nông nghiệp tại địa phương, cải thiện và không ngừng nâng cao đời sống của người dân, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn trong mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Đề án tập trung vào các vấn đề: Thành lập, mở rộng, quy hoạch chi tiết và đầu tư xây dựng Cụm công nghiệp (CCN); Tổ chức, hoạt động và đầu tư các CCN; Công tác quản lý nhà nước đối với CCN.
Tính đến 31/12/2012, toàn tỉnh có 18 CCN đã được phê duyệt với diện tích 499,8 ha; có 16.124 cơ sở sản xuất công nghiệp, đã tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp là 7.831,44 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 47.257 lao động với thu nhập từ 2,5 đến 3,5 triệu đồng/người/tháng. Giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn ước đạt 6.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 40.132 lao động.
Theo đánh giá trong đề án, các CCN phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương, tỷ lệ lấp đầy còn thấp, nhiều CCN chưa có dự án đầu tư. Vốn đầu tư hạ tầng còn thấp; đầu tư thiếu đồng bộ, dàn trải; năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong cụm chưa cao; Công tác QLNN đối với CCN còn nhiều bất cập; lực lượng lao động trong các CCN chủ yếu là lao động phổ thông, chưa được đào tạo đầy đủ.Đề án cũng đưa ra mục tiêu, nhiệm vụ, các giải pháp và cơ chế chính sách phát triển CCN đến 2020. Theo đó, đến năm 2015 sẽ có 19 CCN với tổng diện tích khoảng 488,62 ha; đến năm 2020 có 25 CCN với tổng diện tích khoảng 631,62 ha. Giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 2020 ước đạt 5.000 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho khoảng 6.000 - 8.000 lao động.
Theo đề án, đến năm 2020 có 25 CCN với tổng diện tích khoảng 631,62 ha; giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 5.000 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho khoảng 6.000 - 8.000 lao động. |
Tại cuộc họp, đại diện các sở, ngành, địa phương liên quan đã có nhiều ý kiến góp ý vào các giải pháp của đề án nhằm hoàn chỉnh, cụ thể có giá trị thực tiễn, đồng thời đề nghị HĐND tỉnh thống nhất ban hành một số cơ chế, chính sách cơ bản như: hỗ trợ chi phí chuẩn bị đầu tư, GPMB, xử lý nước thải và ưu đãi về vay vốn, về đất đai, thuế…
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh đã thống nhất tên gọi đề án đồng thời giao sở Công thương chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương cập nhật lại các số liệu về mức đầu tư, số lượng lao động đến nay tại các CCN hoàn chỉnh đề án để trình tại kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVI sắp tới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu, trong đề án cần trình bày ngắn gọn, tránh trùng lặp; các giải pháp phải mang tính khả thi cao.
Bá Tân- Vũ Dũng
Nguồn baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn