Bài 1: Niềm vui của hộ nghèo Đó là tâm trạng chung của nhiều gia đình khi được đón nhận ngôi nhà mới với sự chung tay góp sức giúp đỡ của các cấp chính quyền, đoàn thể, NHCSXH và bà con xóm giềng. Đã có 59/63 tỉnh, thành trên cả nước triển khai thực hiện hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg; 4 tỉnh, thành còn lại thực hiện theo tiêu chí và chuẩn nghèo riêng của địa phương. Trước khi thực hiện, Ban quản lý đề án đã đưa ra con số thống kê có 496.025 hộ thuộc đối tượng được hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 167. Tuy nhiên, sau khi rà soát, con số này lên tới 539.540 hộ, thậm chí theo một số lãnh đạo địa phương, con số thực tế còn lớn hơn. Điều đó có nghĩa, rất nhiều hộ gia đình đang cần được hỗ trợ để có chỗ ở ổn định, từ đó an cư lạc nghiệp. Phải nói rằng, lo được chỗ ở ổn định cho 500.000 hộ gia đình trong thời gian ngắn không phải là việc đơn giản. Tuy nhiên, nhờ những chính sách và kế hoạch hợp lý, hầu hết các địa phương đã thực hiện tốt chính sách này. Sau hơn 3 năm thực hiện, đến nay, cả nước đã hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho 507.143 hộ, đạt 102,2% so với con số phê duyệt ban đầu trong đề án, đạt 94% so với các hộ thực tế sau khi rà soát. Điều đáng nói là, trong số các hộ được nhận nhà mới có tới 224.000 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số. Đối với 62 huyện nghèo nhất cả nước, các địa phương đã hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho gần 90.000 hộ, đạt 110% so với đề án phê duyệt. Các địa phương khu vực Tây Nam Bộ đã hỗ trợ cho 25.000 hộ là đồng bào Khmer, đạt 108% so với đề án. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đến nay, chương trình đã huy động được 12.653 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương 4.254 tỷ đồng, chiếm 33,6%; vốn ngân sách địa phương 723 tỷ đồng, chiếm 5,7%; vốn vay NHCSXH 3.584 tỷ đồng, chiếm 28,3%; vốn huy động khác 4.092 tỷ đồng, chiếm 32,4%. Tổng số vốn đã giải ngân là 11.945 tỷ đồng, chiếm 94,4% vốn huy động. Hầu hết các căn nhà đều vượt diện tích và chất lượng quy định, diện tích chung từ 28-32m2, có căn đạt 50 - 60m2, tất cả đều có khung bê- tông cốt thép hoặc bằng gỗ, tường xây gạch; mái lợp ngói, phi-prôximăng hoặc tôn... Kiểu dáng, kiến trúc nhà ở phù hợp với phong tục tập quán của địa phương. Giá thành khoảng 25 - 28 triệu đồng/căn, nhiều căn nhà có giá thành lên tới 50 - 60 triệu đồng. Theo thông tin từ NHCSXH, trong hơn 3 năm thực hiện, tổng chỉ tiêu kế hoạch nguồn vốn cho vay là 4.100 tỷ đồng để cho 512.000 hộ nghèo vay làm nhà ở. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước chuyển sang là 1.600 tỷ đồng, số còn lại ngân hàng huy động. Tuy nhiên, việc chuyển vốn của Ngân hàng Trung ương trong những năm 2009 - 2010 chưa kịp thời, việc huy động vốn của NHCSXH gặp nhiều khó khăn... Tuy vậy, ngân hàng vẫn dành nhiều ưu tiên cho chương trình này với mong muốn ngày càng có nhiều hộ được đón nhận niềm vui có nhà mới. Theo đó, vốn giải ngân theo Quyết định 167 của NHCSXH hiện đạt 3.452 tỷ đồng với 433.000 hộ nghèo được vay vốn. Nhiều hộ có chung nhận xét, nguồn vốn của NHCSXH giúp cho ngôi nhà của họ thêm kiên cố, rộng rãi, vì nếu chỉ có sự hỗ trợ của Nhà nước, họ sẽ không thể hoàn thành tâm nguyện. Điều đáng phấn khởi hơn là, sau khi được an cư lạc nghiệp, phần lớn các hộ đều tu chí làm ăn, sớm trả nợ cho ngân hàng. Theo quy định, sau 5 năm các hộ mới phải trả nợ nhưng nhiều gia đình tự nguyện trả trước kỳ hạn. Trong hơn 3 năm qua, NHCSXH đã thu nợ được 13,3 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/3/2012, dư nợ cho vay hộ nghèo là người dân tộc thiểu số chiếm gần 50%. Một số tỉnh triển khai sớm và có dư nợ cho vay lớn như Thanh Hoá 209 tỷ đồng, Trà Vinh 197 tỷ đồng, Sóc Trăng 190 tỷ đồng, Nghệ An 163 tỷ đồng, Hoà Bình 125 tỷ đồng... Chạy nước rút... Tính đến hết năm 2011, xã Linh Sơn (Đồng Hỷ - Thái Nguyên) đã có 17 hộ gia đình xây dựng được nhà kiên cố nhờ nguồn vốn vay từ NHCSXH. Là xã miền núi nên đời sống kinh tế của nhân dân gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo tương đối cao, đặc biệt là số hộ sống trong các ngôi nhà tranh tre vách đất còn nhiều. Khi Quyết định 167 ra đời, nhiều hộ nghèo ở Linh Sơn có cơ hội được ở trong những ngôi nhà kiên cố, sạch đẹp. Bà Đỗ Thị Hương, cán bộ UBND xã Linh Sơn cho biết, nhờ có Chương trình 167 mà nhiều gia đình trong xã có nhà ở kiên cố. Các hộ được hưởng nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH đều thuộc diện đặc biệt khó khăn, không có khả năng tự xây được nhà, họ thường ở trong những căn nhà tranh tre vách đất dột nát... Là một trong những hộ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH, giờ đây, bà Trần Thị Lìu ở thôn Thông Nhãn (Linh Sơn) đã có ngôi nhà ba gian kiên cố. Bà Lìu phấn khởi cho biết: "Ngôi nhà này tôi xây được 2 năm nay. Trước kia, nó là nhà tranh tre thấp lè tè, lợp bằng lá cọ, tường trát bằng đất, mỗi khi mưa xuống nước chảy tong tong như ngồi ngoài trời, gió thổi qua vách lạnh thấu xương. Tôi từng ước mơ có một căn nhà kiên cố nhưng ước mơ đó khó có thể trở thành hiện thực vì ngoài hai sào lúa tôi không còn có thu nhập gì thêm. Để có tiền chi tiêu hàng ngày, tôi phải đi chặt củi bán. Trong lúc khó khăn, được Nhà nước hỗ trợ, NHCSXH cho vay 8 triệu đồng cùng với sự giúp đỡ của anh em, họ hàng, tôi đã xây được ngôi nhà 3 gian kiên cố như thế này. Giờ thì chỉ yên tâm làm ăn thôi". Theo Bộ Tài chính, chỉ còn vài tháng nữa là phải hoàn thành chương trình theo đề án đã được phê duyệt. Vì vậy, các địa phương phải tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc đảm bảo tiến độ thực hiện. NNHCSXH phải chủ động huy động nguồn vốn (50%) để cho hộ nghèo vay làm nhà ở. Bộ Xây dựng đánh giá, phần lớn các hộ nghèo sau khi có nhà mới đều yên tâm lao động sản xuất, cuộc sống vì thế được cải thiện đáng kể. Việc vận động, hướng dẫn người nghèo tính cực tham gia cùng Nhà nước và cộng đồng khiến họ chủ động và tự tin vươn lên trong cuộc sống. Chương trình đã khơi dậy truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta là "lá lành đùm lá rách", góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Chương trình đang góp phần rất lớn vào công cuộc xây dựng nông thôn mới. Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị, để hoàn thành chương trình trong năm 2012, các địa phương đã được cấp thừa vốn ngân sách, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng thực hiện thu hồi số vốn để bổ sung cho các địa phương còn thiếu. Số lượng hộ nghèo phát sinh cần hỗ trợ nhà ở tại các địa phương còn nhiều do thay đổi chuẩn nghèo, do tách hộ và ảnh hưởng của thiên tai nên cần được rà soát, thống kê lại. Rõ ràng, Chương trình 167 đã mang đến niềm vui cho hàng trăm nghìn hộ nghèo, giúp họ có cơ hội được sống trong những ngôi nhà kiên cố, sạch đẹp. Nhờ an cư, họ mới chú tâm vào làm ăn, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, để chương trình thực sự bền vững thì cần tiếp tục có thêm nhiều chính sách đầu tư, khuyến khích của Nhà nước để trợ giúp người nghèo sớm có cuộc sống ổn định. Bài 2: Vẫn còn hàng nghìn hộ mong ngóng Duy Phong - Hoàng Văn Nguồn:kinhtenongthon.com.vn | ||
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn