Một số kết quả và bất cập
Việt Nam là nước nông nghiệp, vì vậy các cơ chế, chính sách liên quan luôn có tác động không nhỏ đến đời sống, hoạt động sản xuất của hàng triệu hộ nông dân trong phạm vi toàn quốc. Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích đầu tư tạo động lực cho nông nghiệp, nông dân phát triển, trong đó có chính sách thủy lợi phí. Các chính sách về thủy lợi phí đã đáp ứng được chủ trương giảm bớt một phần chi phí của người dân trong sản xuất; tạo điều kiện cho các địa phương tập trung hơn trong quản lý, khai thác các công trình thủy lợi, kênh mương, nâng cao năng lực quản lý, điều hành nhằm phát huy tối đa hiệu quả các công trình. Điển hình là, Nghị định 143/2003/ NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; Nghị định 115/2008/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 143/2003/NĐ-CP và trước yêu cầu thực tế đã nảy sinh một số bất cập, Chính phủ tiếp tục có những quy định mới điều chỉnh.
Nghị định 115/2008/NĐ-CP ban hành ngày 14/11/2008, Chính phủ đã đưa ra quy định về miễn thủy lợi phí đối với nông dân được giao đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và làm muối. Đây là một bước ngoặt mới trong công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi. Sau hơn gần 4 năm triển khai, chính sách này đã đáp ứng được chủ trương giảm bớt một phần chi phí của người dân trong sản xuất; Diện tích tưới, tiêu năng suất lúa được nâng lên; Tạo ra nguồn kinh phí ổn định cho các địa phương, đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi chủ động trong hoạt động phục vụ sản xuất, dân sinh, duy tu, sửa chữa công trình thủy lợi; Tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi từng bước được sắp xếp, củng cố và kiện toàn...
Bên cạnh những kết quả đáng khích lệ, trong thực hiện, triển khai chính sách này vẫn còn một số bất cập như:
- Biến động về giá cả, tiền lương, vật tư nhiên liệu hàng năm đều tăng nhưng mức cấp theo Nghị định 115/2008/NĐ-CP không được điều chỉnh hàng năm nên phần kinh phí dành cho duy tu bảo dưỡng công trình qua các năm ít dần, gây khó khăn trong quản lý khai thác công trình thủy lợi.
- Quy định mức cấp bù phí chưa đồng đều giữa các vùng miền, chưa công bằng trong việc cấp bù cho hai loại hình tổ chức hợp tác doanh nghiệp quản lý công trình thủy lợi được đầu tư từ hai nguồn vốn khác nhau (từ Nhà nước và từ vốn dân tự huy động) dẫn đến mâu thuẫn khi thực hiện phân cấp.
- Việc áp dụng mức thu tiền nước đối với tổ chức, cá nhân sử dụng nước để nuôi trồng thủy sản tại công trình hồ chứa thủy lợi của Nghị định 115/2008/NĐ-CP khó thực hiện vì các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi không xác định được giá trị sản lượng thực tế của các tổ chức cá nhân nuôi trồng thủy sản.
- Phát huy hiệu quả của các công trình thủy lợi chưa cao, nhiều hệ thống thủy lợi bị xuống cấp, chất lượng nguồn nước do hệ thống thủy lợi cấp nhiều nơi không đảm bảo, có nơi bị ô nhiễm nghiêm trọng, sử dụng nước còn nhiều lãng phí, tiêu hao điện năng lớn; mức hỗ trợ thủy lợi phí cũng còn nhiều bất cập; việc sử dụng thủy lợi phí còn bị gò ép do các chính sách hiện hành, hoặc việc sử dụng kinh phí cho sửa chữa trạm bơm, kênh mương lại được quy định quá chặt, nên chưa khuyến khích đầu tư lâu dài.
- Hiện nay, ngành Nông nghiệp vẫn lấy mức quy định của Nghị định 143/2003/NĐ-CP của Chính phủ làm cơ sở tính toán, nhân với hệ số trượt giá (2,31) để xác định mức thủy lợi phí là không phù hợp thực tế, đặc biệt là trong bối cảnh lạm phát những năm gần đây đều cao. Với mức này, các doanh nghiệp thủy lợi không bảo đảm kinh phí để duy tu, bảo dưỡng công trình. Bởi những bật cập này đã dẫn đến công trình xuống cấp nhanh do không được duy tu, bão dưỡng thường xuyên.
Những quy định mới
Để tháo gỡ những bất cập còn phát sinh trong quá trình thực hiện chính sách miễn thủy lợi phí, Chính phủ đã ban hành Nghị định 67/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 về quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi. Những thay đổi về chính sách miễn thuỷ lợi phí mới này sẽ là một trong những giải pháp tích cực đầu tư công vào nông nghiệp nông thôn, thực hiện chính sách “tam nông” theo Nghị quyết số 26/NQ-TƯ khoá X.Theo đó, các quy định mới được nêu tại Nghị định 67/2012/NĐ-CP là:
- Đối với mức thu thuỷ lợi phí, so với mức thu thủy lợi phí quy định tại Nghị định 115/2008/ NĐ-CP, mức thu theo Nghị định thay thế tăng lên 1,5 lần. Đây được xem là mức điều chỉnh cho phù hợp với chi phí thực tế phát sinh của các đơn vị quản lý khai thác công trình thuỷ lợi. Trong đó, mức thu thuỷ lợi phí đối với vùng núi được nhân hệ số 1,1 lần so với đồng bằng; mức thu theo các biện pháp tưới tiêu: tưới tiêu bằng trọng lực được tính bằng 70% tưới bằng động lực. Tưới tiêu kết hợp giữa trọng lực và động lực được tính bằng 85% động lực; Mức thu thuỷ lợi phí đối với các đơn vị chỉ thực hiện nhiệm vụ tưới (tính bằng 70%), tiêu (tính bằng 30%). Đối với trường hợp phải tưới từ 2 bậc trở lên được cộng thêm 20% mức bình thường; Mức thu tiền nước để phục vụ cho các mục đích không phải sản xuất lương thực được nhân 1,2 lần so với mức thu tiền nước của Nghị định 115/2008/NĐ-CP.
- Cấp nước tưới cho cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, hoa, cây dược liệu nếu không tính được theo mét khối (m3) thì thu theo diện tích (ha), mức thu bằng 80% mức thuỷ lợi phí đối với đất trồng lúa cho một năm (trước đây là mức thu bằng 40% mức thu đối với đất trồng lúa không quy định theo vụ hoặc năm); Thống nhất mức thu thuỷ lợi phí (cũng là mức thu cấp bù) đối với công trình đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và nguồn vốn ngân sách nhà nước.
- Tăng mức thu thủy lợi phí đối với khu vực miền núi cả nước; Đồng bằng sông Hồng; Trung du Bắc Bộ và Bắc khu IV; Nam khu IV và Duyên hải miền Trung; Tây Nguyên; Đông Nam Bộ. Riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, mức thu thủy lợi phí vẫn giữ nguyên như hiện nay.
Nghị định điều chỉnh mức thu tiền nước đối với tổ chức, cá nhân sử dụng nước hoặc làm dịch vụ từ công trình thủy lợi để phục vụ cho các mục đích không phải sản xuất lương thực. Trong đó, mức thu tiền nước để nuôi trồng thuỷ sản tại công trình hồ chứa thuỷ lợi trước đây là 7% -10% giá trị sản lượng nay giảm xuống còn 5%-8% giá trị sản lượng; mức thu tiền nước để nuôi cá bè trước đây là 8% -10% giá trị sản lượng nay giảm xuống 6%-8% giá trị sản lượng.
Nghị định nêu rõ đối tượng được miễn thủy lợi phí gồm đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp phục vụ nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, diện tích đất trồng cây hàng năm có ít nhất một vụ lúa trong năm; diện tích đất làm muối; Diện tích đất trồng cây hàng năm có ít nhất một vụ lúa trong năm bao gồm đất có quy hoạch, kế hoạch trồng ít nhất một vụ lúa trong năm hoặc diện tích đất có quy hoạch, kế hoạch trồng cây hàng năm nhưng thực tế có trồng ít nhất một vụ lúa trong năm; Toàn bộ diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao hoặc công nhận cho hộ nghèo.
Đồng thời, miễn thủy lợi phí đối với diện tích đất nông nghiệp trong hạn mức giao đất nông nghiệp cho các đối tượng gồm: 1- Hộ gia đình, cá nhân nông dân được Nhà nước giao hoặc công nhận đất để sản xuất nông nghiệp, bao gồm cả đất được thừa kế, cho tặng, nhận chuyển quyền sử dụng đất; 2- Hộ gia đình, cá nhân là xã viên hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đã nhận đất giao khoán ổn định của hợp tác xã, nông trường quốc doanh (hoặc các công ty nông nghiệp chuyển đổi từ nông trường quốc doanh) để sản xuất nông nghiệp theo quy định của pháp luật; 3- Hộ gia đình, cá nhân là
MỨC THU THỦY LỢI PHÍ ĐỐI VỚI ĐẤT TRỒNG LÚA TẠI MỘT SỐ KHU VỰC | |||||
STT | Vùng và biện pháp công trình | Mức thu hiện nay (1.000 đồng/ha/vụ) | Mức thu kể từ ngày 1/1/2013 (1.000 đồng/ha/vụ) | ||
1 | Miền núi của cả nước | ||||
- Tưới tiêu bằng động lực | 670 | 1.811 | |||
- Tưới tiêu bằng trọng lực | 566 | 1.267 | |||
- Tưới tiêu bằng trọng lực và kết hợp động lực hỗ trợ | 635 | 1.539 | |||
2 | Đồng bằng sông Hồng | ||||
- Tưới tiêu bằng động lực | 1.097 | 1.646 | |||
- Tưới tiêu bằng trọng lực | 982 | 1.152 | |||
- Tưới tiêu bằng trọng lực và kết hợp động lực hỗ trợ | 1.040 | 1.399 | |||
3 | Đông Nam Bộ | ||||
- Tưới tiêu bằng động lực | 886 | 1.329 | |||
- Tưới tiêu bằng trọng lực | 801 | 930 | |||
- Tưới tiêu bằng trọng lực và kết hợp động lực hỗ trợ | 839 | 1.130 |
nông trường viên đã nhận đất giao khoán ổn định của nông trường quốc doanh để sản xuất nông nghiệp theo quy định của pháp luật; 4- Hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp có quyền sử dụng đất nông nghiệp góp đất của mình để thành lập hợp tác xã sản xuất nông nghiệp theo quy định của Luật Hợp tác xã.
Nghị định mới bổ sung quy định về chính sách đối với các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi và việc ngân sách nhà nước cấp bù do thực hiện miễn thủy lợi phí. Theo đó, các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi được ngân sách nhà nước cấp bù số tiền do thực hiện miễn thu thủy lợi phí quy định. Mức cấp bù quy định cụ thể như sau: (a) Các đơn vị quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi được cấp bù số tiền do thực hiện miễn thủy lợi phí tính theo mức thu quy định tại Điểm a, b, c và các tiết 3, 4 của Biểu mức thu tiền nước tại Điểm d Khoản 1 Điều 19 trên đây. Mức cấp bù thủy lợi phí được thực hiện theo nguyên tắc một diện tích, một biện pháp tưới tiêu và một mức thu theo quy định tại Điểm a, b, c và các tiết 3, 4 của Biểu mức thu tiền nước tại Điểm d Khoản 1 Điều 19 trên đây; (b) Nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương, bảo đảm 100% số thủy lợi phí được miễn cho các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi Trung ương; hỗ trợ 100% kinh phí miễn thu thủy lợi phí tăng thêm đối với các địa phương nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương; hỗ trợ 50% kinh phí miễn thu thủy lợi phí tăng thêm đối với các địa phương có tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương dưới 50%; đối với các địa phương có tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương từ 50% trở lên, kinh phí tăng thêm do ngân sách địa phương đảm bảo; (c) Nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương: đảm bảo phần kinh phí miễn thủy lợi phí đã được cân đối ngân sách hàng năm được quy định tại Quyết định số 59/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2011; đối với các địa phương có thu điều tiết về ngân sách trung ương từ 50% trở lên, ngân sách địa phương đảm bảo 100% thủy lợi phí được miễn tăng thêm cho các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi địa phương; đối với các địa phương có thu điều tiết về ngân sách trung ương dưới 50%, ngân sách địa phương đảm bảo 50% thủy lợi phí được miễn tăng thêm cho các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi địa phương.
Nghị định cũng quy định các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi có trách nhiệm phục vụ đầy đủ, kịp thời đúng tiến độ về dịch vụ tưới nước và tiêu nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và làm muối đồng thời thực hiện triệt để chính sách tiết kiệm nước. Hàng năm, các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi thực hiện lập dự toán, xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để phê duyệt như sau: Đối với các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi do trung ương quản lý báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài chính; Đối với các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi do địa phương quản lý báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo tapchitaichinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn