Có thể nói, chưa bao giờ một chính sách phát triển thủy sản mới ban hành đã nhận được sự đồng tình hưởng ứng của các bộ, ngành, các địa phương và bà con ngư dân trên cả nước cao như thế. Bằng chứng là, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định phân bổ số lượng tàu đánh bắt xa bờ được đóng mới cho 28 địa phương có biển, với tổng số tàu cá là gần 2.100 chiếc, và hơn 200 tàu dịch vụ hậu cần. Bước đầu, năm ngân hàng thương mại dự kiến sẽ cho các tổ chức, cá nhân đầu tư đóng mới, cải hoán tàu vay khoảng 14.000 tỷ đồng. Các địa phương ven biển cũng đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung của Nghị định đến ngư dân, như: các điều kiện đóng mới và cải hoán tàu cá; điều kiện vay vốn, lãi suất hằng năm, thời gian trả vốn vay; các chính sách hỗ trợ về tài chính, bảo hiểm thân tàu, thuyền viên; miễn thuế đối với hoạt động khai thác và dịch vụ hậu cần...
Ðến nay, số lượng tàu vỏ thép cần đóng mới của ngư dân các địa phương đăng ký gấp nhiều lần tổng số tàu mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân bổ. Ðiều này đã gây khó khăn cho các địa phương trong xét duyệt đối tượng được hỗ trợ đóng tàu cá và tàu dịch vụ, nhất là đối tượng được đóng tàu dịch vụ hậu cần. Tuy nhiên, cũng dễ hiểu, bởi ngành nông nghiệp một mặt muốn bảo đảm quy hoạch đội tàu đánh bắt xa bờ, mặt khác không muốn lặp lại bài học "đánh bắt xa bờ" của những năm 90. Hơn nữa, Nghị định 67/2014/NÐ-CP được ban hành là thể hiện quyết tâm cao của Ðảng và Nhà nước, nhằm tạo bước đột phá thúc đẩy ngành khai thác thủy sản phát triển bền vững và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Ðể bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định, các bộ, ngành cần ban hành ngay các văn bản hướng dẫn, thông tư thực hiện, với mục tiêu đạt hiệu quả kinh tế cao. Muốn vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có hướng dẫn tiêu chí cụ thể giúp các địa phương xác định đúng đối tượng được hỗ trợ đóng tàu cá và tàu hậu cần dịch vụ nghề cá; tạo điều kiện để ngư dân tham gia đóng góp ý kiến vào thiết kế mẫu tàu; tăng số tàu dịch vụ để đáp ứng nhu cầu vận chuyển thủy sản từ biển về bờ đạt hiệu quả. Các bộ: Kế hoạch và Ðầu tư, Tài chính ưu tiên cân đối nguồn lực cho chương trình ngay trong năm nay và các năm tiếp theo. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại chủ động nguồn vốn để triển khai đúng kế hoạch, cải tiến thủ tục cho vay để ngư dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn. Trước mắt, tập trung ưu tiên hỗ trợ ngư dân đang đánh bắt, có năng lực tài chính bảo đảm và có phương án sản xuất mang lại hiệu quả thiết thực. Các địa phương, trên cơ sở số lượng tàu được phân bổ cần rà soát, xác định đúng đối tượng được hưởng ưu đãi đóng mới tàu, từ đó tổng kết, rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng, tránh tình trạng lợi dụng chính sách để trục lợi cá nhân, gây thiệt hại cho Nhà nước.
BẢO THY
Nguồn nhandan.org.vn