Chúng tôi theo chân Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu đến Yên Bái tham quan mô hình trồng ớt xuất khẩu ở xã Tuy Lộc, TP.Yên Bái. Chị Nguyễn Thị Loan cho hay: “Nhà tôi không có ruộng lúa, chỉ có 8 sào ruộng màu. Mọi năm tôi chỉ trồng ngô, cho thu hoạch 2 tấn, bán đi chỉ được hơn 10 triệu đồng/năm. Từ cuối năm 2012, tôi chuyển sang trồng ớt. Liên tục thu hoạch từ đầu năm đến giờ, tuy mới gần 5 tháng nhưng tôi đã thu được gần 2,5 tấn ớt tươi, bán cho Công ty Hương Cảnh thu về 35 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 23 triệu đồng. Tiền bán ớt được trả “một cục” nên có thể giúp gia đình tiết kiệm một khoản đáng kể”.
Để tham gia mô hình này, chị Loan phải qua lớp dạy trồng rau sạch do Trạm Khuyến nông TP.Yên Bái phối hợp với UBND xã Tuy Lộc tổ chức.
Anh Trung Hải Sâm, cán bộ khuyến nông TP.Yên Bái cho hay, tất cả nông dân trồng ớt ở đây đều tham gia lớp đào tạo nghề nông nghiệp. Giảng viên cũng chính là cán bộ khuyến nông, ban ngày hướng dẫn ngoài đồng ruộng, buổi tối dạy lý thuyết ở nhà văn hóa các xóm. Cánh đồng này trước kia chỉ chuyên trồng ngô, năng suất bình quân 4 tấn/ha/vụ, một năm trồng 2 vụ, tổng doanh thu chưa tới 50 triệu đồng. Khi người dân chuyển sang trồng ớt theo quy trình VietGAP, thuận lợi lớn nhất là được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Lứa đầu tiên chỉ mới trồng từ tháng 10/2012, đến bây giờ vẫn đang cho thu hoạch. Cây ớt vừa ra hoa, vừa đậu quả, cứ thế liên tục thu hoạch hết đầu này đến đầu kia của ruộng. Anh Sâm ước tính, năng suất cả vụ ước đạt 10 tấn/ha, tương ứng với lợi nhuận 145 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Luận, Chủ tịch UBND xã Tuy Lộc cho biết, Tuy Lộc vốn là xã nghèo nhất TP.Yên Bái nhưng lại được chọn làm xã điểm xây dựng nông thôn mới. Năm 2012, chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã mở 8 lớp trên địa bàn xã, với 120 nông dân theo học các nghề chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và trồng rau an toàn. Bà con được trang bị kiến thức kỹ thuật, đồng thời triển khai một số mô hình điểm như chăn nuôi lợn, gà, chim bồ câu, trồng rau. Tuy nhiên, do lúng túng về đầu ra nên việc phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt vẫn bấp bênh. Vì vậy, địa phương đã mời gọi một số doanh nghiệp về bao tiêu sản phẩm, triển khai mô hình liên kết 4 nhà trong sản xuất.
Trồng ớt xuất khẩu không chỉ thành công ở Yên Bái mà còn được nhiều địa phương khác triển khai và thu được kết quả khả quan. Cuối năm 2012, Sở Nông nghiệp và PTNT Vĩnh Phúc đã phối hợp với Công ty cổ phần Stevia Venture triển khai dự án trồng ớt Mỹ Nhân Vương trên địa bàn các huyện như: Lập Thạch, Tam Dương, Tam Đảo, Vĩnh Tường, Bình Xuyên với diện tích hơn 40ha. Đây là mô hình hợp tác “4 nhà” nhằm thay đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập cho nông dân. Theo đó, Công ty ký hợp đồng với người dân và cấp toàn bộ giống ớt, 43kg phân bón/sào, 290m2 nylon che phủ, thuốc bảo vệ thực vật, xử lý đất, cử cán bộ “cắm” tại địa phương để hỗ trợ người dân về kỹ thuật, đồng thời bao tiêu toàn bộ đầu ra. Nhờ có doanh nghiệp lo đầu vào, bao tiêu đầu ra, hỗ trợ vật tư kỹ thuật… nhiều nông dân ở Vĩnh Phúc đã trồng tới 6-8ha ớt.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT Vĩnh Phúc, đồng đất địa phương rất phù hợp với sự phát triển của ớt Mỹ Nhân Vương. Giống ớt này khỏe, ít sâu bệnh, chỉ trồng 2-2,5 tháng là cho thu hoạch. Trồng ớt khó hơn trồng lúa nhưng kỹ thuật đã có cán bộ công ty hỗ trợ, từ lúc đặt cây giống, bón phân, phun thuốc, cho đến khi thu hoạch, đầu ra đã được các công ty bao tiêu toàn bộ. Mô hình này của Vĩnh Phúc cũng đang trở thành điển hình trong liên kết sản xuất- tiêu thụ nông sản.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu bày tỏ: “Trồng ớt cho hiệu quả cao, sau khi trừ chi phí, nông dân lãi 145 triệu đồng/ha. Tôi cho rằng đây là mô hình tốt. Gắn đào tạo nghề với mô hình doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm chính là hướng đi hiệu quả cho đào tạo nghề nông nghiệp cho nông dân, đáp ứng tiêu chí của xây dựng nông thôn mới là giảm hộ nghèo, tăng thu nhập”.
Chu Khôi (kinhtenongthon.com.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn