Năm 1996, ông Kiến mua 2ha đất trũng bỏ hoang của xã Hòa Long để cải tạo và trồng lúa. Đây là vùng đất thường xuyên bị ngập úng nên ông phải đổ nhiều công sức nghiên cứu đặc điểm của đất, nguồn nước, thời điểm nước lên, nước xuống... trước khi quyết định đầu tư. Nhận thấy vùng đất này phù hợp để làm kinh tế VAC nên ông đắp bờ để nuôi heo, nuôi cá, vịt, và trồng bắp, lúa. “Biết là vất vả, khó khăn để cải tạo vùng đất này nhưng đói thì đầu gối phải bò, phải thử thì mới biết được sức mình tới đâu”, ông Nguyễn Huỳnh Kiến chia sẻ.
Ngay vụ nuôi trồng đầu tiên, ông Kiến đã nếm mùi thất bại, lứa cá đầu tiên của gia đình ông chuẩn bị thu hoạch thì mưa lớn cuốn trôi tất cả, tài sản và vốn liếng mà ông vay mượn để đầu tư cũng trôi theo dòng nước. Không nản, ông tiếp tục vay 40 triệu đồng cải tạo lại ao, tiếp tục nuôi cá. Vụ cá thứ hai, trời không phụ người có tâm, ông trúng lớn và thu lãi hơn 100 triệu đồng. Sau thắng lợi đầu tiên này, ông mở rộng nuôi thêm heo, gà, vịt và trồng bắp, trồng lúa, vừa tăng thu nhập vừa để lấy nguồn phân nuôi cá và thức ăn cho gà, vịt.
Đến nay, gia đình ông đã gầy dựng được trang trại VAC gồm: 2 ha ao nuôi cá với sản lượng trên 40 tấn/vụ, 200 con heo, 100 con gà và 3.000 con vịt với sản lượng thu hoạch hơn 2.500 trứng/ngày. Từ mô hình VAC này, gia đình ông thu nhập mỗi năm gần 4 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí ông còn lãi gần 1 tỷ đồng. Ngoài ra, ông còn tạo việc làm cho 7 lao động tại địa phương với thu nhập từ 4 – 5 triệu đồng/tháng.
Bài, ảnh: VIẾT CHÂN
Theo baobariavungtau
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn