Là một trong những xã tích cực thực hiện việc đồn điền đổi thửa của huyện Thái Thụy trong năm 2012, những ngày này xã Thụy Sơn đang khẩn trương giao những thửa ruộng cuối cùng cho nhân dân. Sau khi nhận ruộng, nhiều gia đình đã tính đến chuyện tổ chức sản xuất trên những ô thửa lớn thế nào để đạt hiệu quả cao nhất.
Ông Ngô Ngọc Chiêm, Chủ tịch UBND xã cho biết: Thụy Sơn có 485 ha diện tích đất nông nghiệp. Năm 2002, xã đã thực hiện dồn điền đổi thửa nhưng bình quân mỗi hộ vẫn còn 5,26 thửa, chưa kể diện tích mạ. Khoảng 80% số dân của xã sinh sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, ngoài cấy lúa mỗi năm trồng từ 150 đến 200 ha cây màu, cây vụ đông. Tuy nhiên, ruộng đất manh mún cộng với hệ thống thủy lợi xuống cấp, kênh mương bị bồi lắng, bờ vùng thấp nhỏ đã ảnh hưởng đến việc luân canh tăng vụ, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, nâng cao giá trị thu nhập trên 1 đơn vị diện tích.
Thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, Thụy Sơn xác định trước hết phải quy hoạch lại đồng ruộng, sớm hoàn thành việc dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp và coi đây là khâu mở đường thực hiện một số tiêu chí khác. Rút kinh nghiệm từ những xã đã dồn điền đổi thửa trong năm 2011, tổ chức cho cán bộ xã, thôn đi thăm quan, học tập kinh nghiệm xây dựng NTM ở xã Thanh Tân (huyện Kiến Xương), tháng 4/2012 xã triển khai công tác dồn điền đổi thửa. Phân công nhiệm vụ cho từng cán bộ, đảng viên phụ trách các thôn, xóm. Theo đó, phương án dồn điền đổi thửa được xây dựng trên quy mô toàn xã với 6 nguyên tắc, 23 quy định cụ thể, rõ ràng đưa ra họp bàn công khai dân chủ trong Đảng, xuống các chi bộ, họp thôn lấy ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Căn cứ vào phương án chung, điều kiện thực tiễn đồng đất của mình, 8 thôn xây dựng phương án, trực tiếp vận động nhân dân tổ chức thực hiện.
Để bà con đồng lòng, thuận tình dồn điền đổi thửa, coi như nhiệm vụ của gia đình mình, toàn xã tổ chức hàng chục cuộc họp, trung bình mỗi thôn tổ chức từ 5 đến 6 cuộc vừa tuyên truyền, vận động, lấy ý kiến vừa giải trình những kiến nghị của nhân dân. Nơi nào gặp khó khăn hoặc nảy sinh những vướng mắc, lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã trực tiếp xuống giải quyết. Trên cơ sở diện tích đất nông nghiệp, thực hiện dồn đổi theo từng vùng sản xuất đã được quy hoạch, các thôn họp dân để bình nhóm đất phù hợp với điều kiện thực tiễn, đưa nhóm đất đã bình lên sơ đồ niêm yết công khai. Để hạn chế số thửa/hộ, xã và thôn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con tự nhận một mảnh, bố con, anh em, người trong dòng họ, một nhóm người… nhận chung một thửa; với những diện tích xa, xấu, cấy lúa kém hiệu quả dùng hệ số “k” quy đổi để điều chỉnh, khuyến khích các hộ dân tự nhận để cải tạo đầu tư sản xuất.
Từ cuối tháng 10/2012, Thụy Sơn phát động toàn dân ra quân đào đắp bờ vùng bờ thửa, chỉnh trang đồng ruộng. Xã giao quy hoạch và quản lý quy hoạch còn lại việc huy động công đào đắp, xác định mức đóng góp do nhân dân các thôn tự bàn bạc, quyết định nên bà con không chỉ tình nguyện góp 15m2 đất/sào mà còn hăng hái, nhiệt tình tham gia lao động. Trong thời gian 2 tháng, khắp các cánh đồng của Thụy Sơn lúc nào cũng đông kín người làm thủy lợi và đến nay đã cơ bản đào đắp xong các tuyến bờ vùng, bờ thửa với khối lượng gần 104.500m
3, nếu quy ra tiền bà con đóng góp ước tính giá trị trên 2 tỷ đồng. Xã đã đầu tư 1.500 cọc bê tông cắm mốc ngoài thực địa, lắp đặt 1.263 cống bi trên khắp các xứ đồng phục vụ cho sản xuất. Đào đắp xong thủy lợi đến đâu, các thôn tổ chức bốc thăm, giao ruộng cho nhân dân đến đó, đến nay nhiều thôn đã chia xong. Ông Chiêm cho biết thêm: dự kiến việc chia ruộng cho 100% hộ dân ở Thụy Sơn sẽ hoàn thành trước Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 để bà con kịp thời cải tạo đồng ruộng, làm đất gieo cấy lúa xuân năm 2013. Tuy chưa có số liệu tổng hợp chính thức nhưng chắc chắn số thửa sẽ giảm nhiều, bình quân dưới 2 thửa/hộ. Đặc biệt, sau dồn điền đổi thửa, diện tích đất 5% công ích trước đây phân tán ở nhiều nơi nay quy lại gọn vùng. Xã cũng đã quy hoạch được các vùng sản xuất tập trung: vùng cấy lúa, vùng chuyên màu, cấy lúa+trồng màu+ trồng cây vụ đông, vùng nuôi trồng thủy sản… tạo điều kiện để nông dân đẩy mạnh việc thâm canh tăng vụ, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế nâng cao thu nhập.
Minh chứng cho những gì ông Chiêm nói, chúng tôi ra cánh đồng thôn Ngọc Thanh chứng kiến cảnh hàng trăm nông dân cùng có mặt hăng say lao động. Chỗ này máy cày tập trung làm đất, chỗ kia mọi người tập trung đo giao ruộng, xa ra một chút bà con mải miết san ruộng, đắp bờ vùng bờ thửa… tạo không khí sôi động, tất bật, khẩn trương. Đi trên những bờ vùng được đắp hoàn chỉnh rộng 4m, nhìn những ô thửa lớn chúng tôi cảm nhận rõ niềm vui của người nông dân nơi đây sau khi gần về đích của “cuộc cách mạng” trên đồng ruộng. Nông dân Phạm Đình Dân phấn khởi chia sẻ: “Gia đình tôi cấy 5 sào nhưng trước đây chia thành 6 mảnh ở nhiều xứ đồng khác nhau tốn rất nhiều công đi lại thăm đồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng. Năm nay, xã tổ chức dồn đổi lại còn có 2 mảnh lớn, đường to rộng có thể đưa xe xuống tận đầu ruộng đã giảm đáng kể sức lao động, nâng cao hiệu quả canh tác. Với chủ trương góp đất, góp công lao động thực hiện dồn điền đổi thửa xây dựng nông thôn mới, nông dân thôn Ngọc Thanh đều sẵn sàng, chỉ mong sao sau khi đắp bờ to, Nhà nước hỗ trợ thêm một phần kinh phí để cải tạo lại hệ thống thủy lợi, cứng hóa mương máng, đường ra đồng để đi lại cũng như vận chuyển hàng hóa thuận lợi hơn”.
Theo baothaibinh