Để phát triển chăn nuôi một cách bền vững nhằn hạn chế dịch bệnh, bảo vệ môi trường thôn Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (TTKNKN) Hà Tĩnh đã xây dựng thành công nhiều mô hình an toàn dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường đạt hiệu quả cao.
Đó là mô hình chăn nuôi lợn áp dụng công nghệ đệm lót sinh học được triển khai đầu tiên ở Hà Tĩnh. Mô hình thực hiện tại xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà. Tuy bước đầu gặp những khó khăn nhất định do nông dân chưa biết hiệu quả của việc chăn nuôi trên đệm lót, thiếu kinh phí để cải tạo chuồng trại theo đúng yêu cầu của mô hình đề ra,… nhưng được sự hướng dẫn tận tình của cán bộ khuyến nông nên các hộ dân đã mạnh dạn hưởng ứng.
Qua thực tế kiểm tra tại 3 hộ, các đại biểu và chính bà con nơi đây đánh giá cao kết quả mô hình. Mô hình đã tiết kiệm được 10% chi phí thức ăn, 80% nước (do hoàn toàn không phải tắm, rửa chuồng), giảm 60% chi phí lao động, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường so với cách chăn nuôi thông thường. Đặc biệt đệm lót sinh học chứa các vi sinh vật phòng chống các loại dịch bệnh rất hiệu quả như lở mồm long móng, tai xanh, tụ huyết trùng…
Hộ ông Đặng Văn Huấn nuôi 3 con lợn trên nền xi măng và 5 con trên nền đệm lót. Với cùng một chế độ chăm sóc nuôi dưỡng, so sánh kết quả thấy đàn lợn nuôi trên nền đệm lót lớn nhanh hơn khoảng 4-5 kg/con, lông da hồng hào, bóng mượt hơn.
Về hiệu quả kinh tế, nếu một hộ nuôi khoảng 20 con lợn thịt sẽ giảm chi phí 2 - 3 triệu đồng/lứa. Đối với điều kiện ở Hà Tĩnh, chăn nuôi đang mang tính chất tận dụng, manh mún nhỏ lẻ tại các nông hộ thì đây là một thành công lớn của mô hình, vừa tăng thu nhập vừa đảm bảo vệ sinh môi trường.
Tại thôn Bắc Phố, xã Thạch Hội (Thạch Hà), TTKNKN tỉnh đã xây dựng thành công mô hình "Phòng dịch bệnh và xử lý ô nhiễm môi trường trong thôn xóm chăn nuôi lợn có mật độ cao", quy mô 1.480 con tại 100 hộ gia đình. Thạch Hội nói chung và thôn Bắc Phú nói riêng là địa phương có phong trào chăn nuôi lợn tập trung mật độ cao, tuy nhiên công tác phòng trừ dịch bệnh nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn, dịch bệnh diễn biến phức tạp, luôn đứng trước tình trạng bùng phát. Vì vậy, việc triển khai thực hiện mô hình này có ý nghĩa vô cùng lớn. Tuy mới 1 năm thực hiện nhưng bước đầu mô hình đã thu được những kết quả đáng khích lệ, thành lập được 4 nhóm cộng đồng chăn nuôi lợn theo hình thức quản lý cộng đồng đi vào hoạt động có hiệu quả. Các hộ chăn nuôi đã nắm bắt và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: quy trình tiêm phòng, xử lý môi trường và ý thức người dân nâng lên, biết hỗ trợ nhau, không để xảy ra tình trạng dấu dịch, không bán chạy lợn ốm, không vứt xác lợn chết bừa bãi, tỷ lệ lợn ốm giảm hẳn chỉ còn 2,5% so với tổng đàn.
Từ kết quả này, TTKNKN Hà Tĩnh đang xây dựng kế hoạch năm 2013 tiếp tục nhân rộng các mô hình này với hình thức lồng ghép 2 mô hình trong 1 để triển khai đồng loạt trên nhiều địa phương, đặc biệt là những vùng có mật độ dân cư đông. Đây là những mô hình trình diễn mang tính khoa học và cộng đồng cao, cần được tiếp tục đầu tư phát triển và làm tốt công tác tuyên truyền quảng bá giới thiệu áp dụng rộng rãi nhằm giảm thiểu dịch bệnh, nâng cao hiệu quả chăn nuôi, đảm bảo môi trường sống cho nhân dân.
Quốc Triển
TTKNKN Hà Tĩnh