Huyện Đông Sơn hiện có trên 18.000 hội viên phụ nữ, sinh hoạt tại 147 chi hội, trong đó có 5.000 phụ nữ nghèo làm chủ hộ. Để số hội viên này được giúp đỡ một cách chủ động, tích cực và hiệu quả, hằng năm, hội LHPN huyện đã đăng ký cụ thể số lượng hội viên được hỗ trợ thoát nghèo (có tên và địa chỉ cụ thể) lên Tỉnh hội. Theo đó, năm 2012 các cấp hội phụ nữ trong huyện đã hỗ trợ cho 62 hội viên thoát nghèo và phấn đấu hết năm 2013 sẽ có thêm 55 hội viên được hỗ trợ thoát nghèo. Chị Nguyễn Thị Thu Huyền, chủ tịch hội LHPN huyện, cho biết: Để phong trào “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ” phát triển sâu, rộng, thu hút nhiều hội viên phụ nữ trong huyện tham gia, các chi hội đã vận động chị em hỗ trợ ngày công cấy, gặt giúp các hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, neo đơn, bệnh tật trong những ngày mùa; hay thông qua bình xét trong chi hội để hỗ trợ các đối tượng bằng con giống (bò, lợn), vay vốn sản xuất. Ngoài ra, địa phương còn chú trọng đến việc xây dựng các mô hình sản xuất, ví như mới đây là mô hình trồng nấm và chuẩn bị thành lập HTX trồng nấm ở các xã Đông Hòa và Đông Văn, qua đó thu hút các hội viên tham gia sản xuất, cùng chia sẻ với nhau kinh nghiệm, vốn, thị trường tiêu thụ; thành lập các câu lạc bộ phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, chẳng hạn câu lạc bộ phụ nữ chế tác đá mỹ nghệ tại xã Đông Hoàng. Bên cạnh đó, hội còn phát động các phong trào “Hũ gạo tiết kiệm”, “Nuôi lợn nhựa tiết kiệm” và tổ chức “Hội thi mổ lợn tiết kiệm”, vừa tạo không khí thi đua giữa các chi hội, vừa tạo nguồn vốn để hỗ trợ trực tiếp cho các hộ nghèo. Đặc biệt, hưởng ứng đợt thi đua thực hành tiết kiệm nhân kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc, huyện hội đã thành lập được 214 tổ, nhóm tiết kiệm, phấn đấu đến 31-12-2013 sẽ tiết kiệm được 2,2 tỷ đồng. Số tiền này được các tổ cho vay với lãi suất ưu đãi, sẽ tạo ra một kênh vốn mới, giúp chị em nghèo dễ dàng tiếp cận.
Chủ trương một nhưng cách làm mười. Căn cứ vào điều kiện thực tế mà mỗi địa phương lại có những cách hỗ trợ phù hợp, mang lại hiệu quả cụ thể cho phong trào trên địa bàn toàn tỉnh. Lấy việc “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ” làm trọng tâm, ngay từ đầu năm, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội tiến hành khảo sát, đăng ký giúp phụ nữ thoát nghèo, với chỉ tiêu phấn đấu mỗi xã, phường, thị trấn giúp ít nhất 2 hộ phụ nữ nghèo thoát nghèo. Đến nay đã có 62.629 hộ nghèo được các cấp hội giúp đỡ bằng nhiều hình thức... trị giá hơn 48 tỷ đồng. Đặc biệt là thông qua phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, qua hình thức câu lạc bộ phụ nữ giảm nghèo – xem đây là những nhân tố nòng cốt, nơi thu hút, tập hợp hội viên tham gia sinh hoạt và giúp đỡ các đối tượng yếu thế một cách hiệu quả.
Bên cạnh các hình thức hỗ trợ trực tiếp, Tỉnh hội hết sức chú trọng đến việc khai thác hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ phụ nữ vay đầu tư sản xuất, kinh doanh. Tính đến tháng 6-2013, tổng dư nợ các nguồn vốn đạt trên 4.329 tỷ đồng, giải quyết cho 243.313 hộ hội viên vay phát triển kinh tế. Cùng với đó, đơn vị còn tăng cường phối hợp với các Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng vốn vay tại cơ sở. Qua kiểm tra cho thấy, hầu hết các hộ được vay đã sử dụng đúng mục đích, phát huy được hiệu quả nguồn vốn.
Để công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững, Hội LHPN tỉnh xác định việc bồi dưỡng kiến thức, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho hội viên là một khâu hết sức quan trọng. Hội đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức tập huấn kiến thức về kỹ thuật sản xuất, xây dựng các mô hình trình diễn, hội thảo đầu bờ, tham quan học tập kinh nghiệm... tạo điều kiện để phụ nữ nghèo được tiếp cận nhiều hơn với kiến thức, khoa học - kỹ thuật, kinh nghiệm, giúp họ tự tin và từng bước tìm hướng giải quyết khó khăn trong kinh tế gia đình. Ngoài ra, hội còn phối hợp với các trung tâm dạy nghề các cấp, tranh thủ các chương trình đào tạo nghề mới và khôi phục nghề truyền thống, nhằm tạo cơ hội cho phụ nữ nghèo các vùng khó khăn tiếp cận với các nghề phù hợp, mang lại thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Có thể nói, cùng với nhiều phong trào hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, phong trào “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ” đã và đang tạo được sự chuyển biến tích cực cả về vật chất và tinh thần cho một bộ phận phụ nữ nghèo, giúp họ tự tin vượt lên hoàn cảnh, chủ động nắm bắt kiến thức, nguồn vốn, tích cực sản xuất, từng bước thoát nghèo.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn