Xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành vốn là một trong những xã nghèo nhất của tỉnh Trà Vinh, nhưng trong những năm trở lại đây Hưng Mỹ đang có những đổi thay rõ nét trên nhiều lĩnh vực.
Xã Hưng Mỹ có diện tích gần 30km2 với phần lớn dân cư sinh sống bằng nghề nông. Là 1 trong 17 xã điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh Trà Vinh đến nay Hưng Mỹ đạt được 10/19 tiêu chí, có được kết quả này không phải là chuyện dễ đối với một xã thuần nông như Hưng Mỹ. Ông Lâm Anh Dũng- Bí thư Đảng ủy xã Hưng Mỹ cho biết, thuận lợi của xã là có sự đồng thuận cao của người dân trong xây dựng NTM. Riêng 6 tháng đầu năm 2012, nguồn vốn huy động từ nhân dân đóng góp xây dựng NTM bằng tiền, hiện vật và ngày công đạt trên 8,3 tỷ đồng.
Khi được chọn làm xã điểm, Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM, chỉ đạo từng cấp ủy phụ trách địa bàn ấp thực hiện việc rà soát thực trạng và thực hiện 19 tiêu chí xây dựng NTM. Trong 19 tiêu chí này, thách thức đối với Hưng Mỹ chính là tiêu chí số 10- tiêu chí về thu nhập của người dân. Để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân, xã đã lập kế hoạch hỗ trợ đầu tư mô hình khuyến nông với kinh phí thực hiện 169 triệu đồng. Đến nay đã có 3 mô hình do Đại học Trà Vinh hỗ trợ về mặt kỹ thuật và giống được triển khai hiệu quả gồm: mô hình trồng khoai lang, trồng mía, trồng ớt cay an toàn sinh học. " Riêng mô hình trồng khoai lang có hiệu quả cao với lợi nhuận bình quân từ 50-70 triệu đồng/ha sau khi trừ các khoản chi phí đã được nhân rộng từ 0,4ha ban đầu tăng lên 15,5ha ở các ấp Bãi Vàng, Đại Thôn, Rạch Vồn và các xã lân cận”, ông Dũng vui vẻ cho biết.
Xây dựng NTM bền vững đòi hỏi người dân phải "mới” trong suy nghĩ, cách làm, nếu phải xem đây là một tiêu chí thì "tiêu chí” này ở Hưng Mỹ không thiếu. Danh tiếng trại cây giống của ông Tư Đức ở ấp Rạch Vồn- Hưng Mỹ đã vượt ra khỏi tỉnh. Từ việc học hỏi kinh nghiệm, mày mò làm các thử nghiệm, ông Nguyễn Văn Đức đã thực hiện thành công giống cà ghép, dưa hấu ghép có sức đề kháng tốt cho năng suất cao. Ông Đức cho biết: Với loại cà ghép phải gieo hạt của hai giống cà, cà được 25 ngày tuổi bắt đầu tiến hành việc ghép bằng việc lấy gốc bỏ ngọn giống cà chua thường cây khỏe nhưng năng suất thấp và lấy ngọn của giống cà chua ghép vào gốc. Sau 10 ngày chăm sóc, tỷ lệ cây sống trên 95% sẽ được xuất trại. Đối với dưa hấu ghép thì ngọn dưa hấu được ghép với gốc bầu cho trái to, vỏ cứng, độ đường bằng dưa hấu thường. Điểm chung của hai loại cây ghép này cho năng suất trội hơn bình thường 1-1,5 tấn/ha, cây khỏe kể cả khi bị ngập úng vài hôm cũng không chết.
Ông Nguyễn Văn Đức không giấu sự tự hào cho biết, ông đang thử nghiệm việc ghép gốc ớt rừng với ngọn của các loại ớt khác để tìm loại ớt ghép cho năng suất cao. Trại cây giống Tư Đức không chỉ cung cấp cây giống trong tỉnh mà còn nhận nhiều đơn đặt hàng từ các tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng, Bến Tre, Vĩnh Long, Bình Dương, Bình Phước…bình quân mỗi ngày xuất trại khoảng 50.000-70.000 cây giống.
Cũng tại ấp Rạch Vồn, cách trồng chuối mới của chị Lâm Anh Đào đang được nhiều người tìm hiểu. Chọn giống chuối của Philippines, chị đã áp dụng cách trồng 200 gốc chuối theo kỹ thuật mới từ khoảng cách trồng, cách chăm sóc và bọc các nải chuối bằng túi nylon chuyên dụng giúp trái chuối phát triển to khỏe, vỏ láng không bị đen, đáp ứng tốt các yêu cầu cho chuối xuất khẩu nên bán được giá cao và không lo về đầu ra.
Năm 2012, xã Hưng Mỹ sẽ tiếp tục tập trung kế hoạch hỗ trợ mô hình khuyến nông cho các lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, sản xuất lúa chất lượng cao…Đồng thời tranh thủ các nguồn vốn tín dụng của ngân hàng chính sách xã hội, nguồn vốn đầu tư hỗ trợ phát triển ngành nghề truyền thống cho xã điểm phát triển tiểu thủ công nghiệp, từ đó phát triển kinh tế hộ gia đình, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 3,9%. Đến cuối năm 2012, xã Hưng Mỹ sẽ hoàn thành thêm 3 tiêu chí và đến năm 2014 sẽ hoàn tất việc thực hiện các tiêu chí nông thôn mới.