Ngày 13/11, Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) phối hợp với Đại sứ quán Israel tại Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Khởi nghiệp trong nông nghiệp: Những bài học kinh nghiệm từ Israel”.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, Việt Nam đang nhanh chóng hội nhập với thế giới và đang đổi mới tư duy mạnh mẽ trong lĩnh vực nông nghiệp. Đặc biệt, phong trào khởi nghiệp nông nghiệp đã lan tỏa và tác động mạnh mẽ trong nhận thức của nhiều hộ nông dân và cộng đồng doanh nghiệp trên khắp cả nước. Qua đó, khuyến khích khả năng tư duy sáng tạo; chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh của nông dân; làm giàu, cống hiến nhiều hơn cho phát triển nông nghiệp.
Theo đại diện đại sứ quán Israel tại Việt Nam, khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng với bất cứ doanh nghiệp nào, ngay cả đối với một quốc gia có phong trào khởi nghiệp nông nghiệp mạnh mẽ như Israel với tỷ lệ thất bại theo thống kê hiện vào khoảng 90%.
Hơn nữa, với quốc gia phải chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu và thời tiết khắc nghiệt như Việt Nam, khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp còn phải đối phó với nhiều mạo hiểm và rủi ro. Chính vì vậy, bên cạnh việc phát động phong trào khởi nghiệp trong nông nghiệp, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về vốn, công nghệ, nhân lực để khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Đồng thời, cũng phải chứng minh những hiệu quả, lợi thế nếu DN áp dụng công nghệ vào trong hoạt động sản xuất kinh doanh nông nghiệp của họ.
Chia sẻ kinh nghiệm thực tế trong hơn 30 năm qua của Israel trong lĩnh vực nông nghiệp, bà Sakai Kemp – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Trenlines AgTech cho rằng, để các doanh nghiệp nông nghiệp khởi nghiệp thích ứng được với cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và đạt tỷ lệ thành công cao, nhất thiết phải bắt đầu ngay từ hạ tầng đến các ứng dụng công nghệ thông tin.
“Trên nền tảng hỗ trợ về công nghệ thông tin của hạ tầng công nghệ viễn thông của Việt Nam, các DN khởi nghiệp nông nghiệp cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội và tận dụng tối đa để đạt được thành công. Duy trì và phát triển thông qua các hoạt động sản xuất kinh doanh tiết kiệm hơn, nhanh hơn, thông minh hơn, chất lượng hơn, bảo vệ môi trường và an toàn hơn”, bà Sakai Kemp chia sẻ.
Xét theo phần trăm GDP, Israel dành nhiều ngân sách nhất cho phương thức đầu tư nghiên cứu, phát triển trên thế giới với khoảng 4,5%, cao hơn rất nhiều mức bình quân 2,2% của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cũng như cao hơn rất nhiều quốc gia có cùng mức GDP trên toàn cầu. Theo Cơ quan sáng tạo Israel (IIA), nguồn ngân sách trên được sử dụng chủ yếu để Chính phủ chia sẻ các rủi ro về tài chính với những startup. Bằng việc cùng đầu tư vào công nghệ cùng các doanh nghiệp tư nhân, Israel đã chia sẻ bớt gánh nặng cũng như rủi ro khi đổ tiền vào các startup, qua đó nuôi dưỡng được một nền tảng công nghệ cũng như vườn ươm khởi nghiệp phát triển. |
Theo Bảo Bình/vietq.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn