Ảnh minh họa. (Nguồn: environment.mard.gov.vn) |
Anh Trịnh Văn Bé Sáu tâm sự: vào khoảng năm 2000 anh tìm cách cải thiện kinh tế gia đình và chọn nuôi gà đất bán thịt. Lúc đầu anh chỉ nuôi 50-100 con thả trong vườn, rồi từ từ anh chọn lại những con gà có dáng đẹp, khoẻ mạnh để lại làm giống và phát triển dần lên 1.000 - 2.000 con gà.
Đến năm 2003, 2004 và 2005 dịch cúm gia cầm xảy ra, anh bị thiệt hại gần 100 triệu đồng. Thế nhưng, anh không bỏ cuộc mà còn quyết tâm tìm cách khắc phục, năm 2006-2007 anh theo học các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi ở huyện, tỉnh, kết hợp đi tham quan nghiên cứu các mô hình chăn nuôi trang trại ở huyện Cần Đước, thành phố Tân An.
Giữa năm 2007 anh bắt đầu trở lại nghề nuôi gà, trong khi đó nhiều trang trại nuôi gà ở xã, huyện chuyển đổi nghề khác. Lúc đầu anh chỉ xây dựng 3 trại thả nuôi 2.000 con, mỗi trại 1.000 m2, có mái che 200 m2 và trồng cây lấy bóng mát.
Áp dụng theo quy trình ngành thú y kết hợp kinh nghiệm thực tế, gà 3 ngày tuổi anh cho uống vắc xin phòng dịch tả 1 lần, 7 ngày tuổi uống rum, 2 tuần tuổi uống rum + tả, gà 20 ngày tuổi chính cúm, 30 ngày tuổi chính toi, 40 ngày tuổi chính tả. Với gà nuôi để đẻ thì phải tiêm đủ cúm, tả, toi,... tuỳ theo thời tiết nắng mỗi tuần phun thuốc khử trừng vệ sinh chuồng trại 1 lần, mưa 2 lần/tuần.
Nhờ áp dụng chặt chẽ theo theo quy trình an toàn sinh học, từ năm 2007 đến nay, tuy ở địa phương năm nào cũng xảy ra dịch cúm gia cầm nhưng đàn gà của anh vẫn luôn khoẻ mạnh, tỷ lệ hao hụt 2-4%. Đến nay, anh phát triển được 8 trại, trong chuồng lúc nào cũng thả 5.000 còn gà đẻ, mỗi tháng anh còn cung cấp từ 40.000 – 60.000 con gà giống và 7.000 con gà bán thịt.
Nhờ vậy từ năm 2009 đến nay mỗi năm anh lãi hơn 500 triệu đồng, riêng 5 tháng đầu năm nay anh lãi gần 300 triệu đồng. Hiện nay, huyện Tân Trụ đang tổ chức cho nông dân đến mô hình nuôi gà theo hướng an toàn sinh học của anh Trịnh Văn Bé Sáu học hỏi kinh nghiệm, nhân rộng mô hình, khắc phục tình trạng dịch cúm gia cầm xảy ra hàng năm ở huyện.
Thanh Tuấn