Khốn khổ vì dự án… ngọt hóa
Người dân làng chài Sông Hải, Sông Tiến đổi đời nhờ nuôi cá lồng bè. |
Năm 2003, dự án ngăn mặn bara đò điệm (ngọt hóa sông Nghèn) bắt đầu triển khai khiến cuộc sống của người dân 2 xóm Sông Hải và Sông Tiến lâm vào bế tắc. Đây là dự án quốc gia, có số vốn 160 tỷ đồng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển nông nghiệp của tỉnh Hà Tĩnh. Đối với bà con ngư dân Sông Hải và Sông Tiến lúc đó nhìn về dự án với tâm trạng “ích nước, hại nhà”, vì khi công trình hoàn thành thì sông Nghèn không còn chế độ thủy triều lên xuống, nguồn thủy, hải sản không còn được lưu thông, không còn dồi dào đồng nghĩa với việc nghề chài lưới của bà con đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.
Nỗi lo của bà con cuối cùng cũng đã đến khi vào năm 2008, công trình ngăn mặn hoàn thành, bara đò điệm chính thức đóng cống và cũng là đóng luôn nghề chài lưới trên sông của bà con Sông Hải, Sông Tiến.
Mất nghề, lao động của 2 thôn lũ lượt kéo nhau “Nam tiến”, phần thì “phiêu bạt” sang Thái Lan để kiếm kế sinh nhai. Chính quyền xã, huyện đã tập trung hỗ trợ gạo để giúp bà con, tuy nhiên đó chỉ là giải pháp tạm thời.
Chuyển hướng sang nuôi trồng thủy sản
Ông Nguyễn Hữu Niêm- Chủ tịch UBND xã Thạch Sơn cho hay: “Với lợi thế là diện tích mặt nước rộng lớn, vì vậy Thạch Sơn đã quyết định chọn mô hình nuôi cá lồng bè là hướng đi chính cho bà con. Thời điểm đó vào đầu năm 2010, phong trào nuôi cá lồng bè trên sông bắt đầu phát triển và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bước đầu, huyện Thạch Hà đầu tư, hỗ trợ cho 2 lồng cá nuôi với mỗi lồng 25 triệu và hỗ trợ luôn cá giống để làm thí điểm.
Anh Nguyễn Văn Thưởng và Nguyễn Hữu Cầu là 2 hộ dân của xóm Sông Hải được huyện lựa chọn để làm thí điểm mô hình. Qua 6 tháng nuôi trồng cá lồng bè, với thể tích mỗi lồng khoảng 150m3, 2 hộ dân đã có lãi hơn 20 triệu đồng/1 lồng. Sự thành công của 2 hộ làm thí điểm đã mở ra con đường làm ăn cho bà con 2 xóm Sông Tiến và Sông Hải.
Đến nay, theo thống kê của xã Thạch Sơn đã có hơn 164 lồng cá với hơn 160 hộ nuôi. Trong đó, xóm Sông Hải nằm phía dưới công trình ngăn mặn bara đò điệm đã phát triển lên 100 mô hình nuôi cá lồng bè, chủ yếu là giống cá chẽm, cá mú, cá hanh, cá diêu hồng... Một năm thu 2 lứa, trừ chi phí người dân nuôi cá lồng bè ít nhất cũng lãi 50-60 triệu đồng. Không chỉ phát triển hộ cá thể, năm 2011, anh Nguyễn Viết Huệ ở xóm Sông Hải cùng với một số hộ dân đã thành lập HTX Nuôi trồng thủy sản Hải Tiến, với số vốn ban đầu là 760 triệu đồng, có 22 xã viên và nuôi 35 lồng cá.
Cao Hương - Huyền Trang - Lam Khê
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn