Được tham dự một lớp bổ túc văn hóa tại TTHTCĐ xã Vị Tân (TP.Vị Thanh) mới thấy hết những cố gắng của các thành viên trong ban quản lý trung tâm. Thầy Nguyễn Văn Răng, giáo viên phụ trách công tác phổ cập Trường THCS Hoàng Diệu chia sẻ: “Học viên ở đây đa phần trong độ tuổi 15-20, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên phải nghỉ học để phụ giúp gia đình, nay mới có điều kiện học tiếp. Chúng tôi sẽ cố gắng cung cấp đủ lượng kiến thức cho người học”. TTHTCĐ xã Vị Tân được thành lập năm 2003, hoạt động chủ yếu trong nhà văn hóa xã; đến năm 2009 được hỗ trợ trụ sở làm việc riêng với diện tích 130m2. Những năm qua, trung tâm đã mở trên 120 lớp giảng dạy, bồi dưỡng, tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho hàng ngàn lượt học viên. Để đạt được kết quả trên, trung tâm đã phối hợp với các đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Làm vườn, Hội Cựu chiến binh… kịp thời nắm bắt nhu cầu học tập của người dân, qua đó đưa các lớp học xuống phục vụ người dân. Ông Kiều Công Sơn ở ấp 2A phấn khởi nói: “Nhờ những lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mà sản xuất hiệu quả hơn, qua đó đời sống của người dân ngày càng được nâng cao. TTHTCĐ xã là cầu nối quan trọng để bà con học tập và đưa kiến thức đã được học vào phát triển kinh tế”. Được biết, năm 2011, TTHTCĐ xã Vị Tân được chọn là nơi chỉ đạo điểm của TTHTCĐ tỉnh. Ông Nguyễn Ngọc Cam, Phó giám đốc TTHTCĐ xã chia sẻ: “Giữa trung tâm và các đơn vị phối hợp có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng. Đơn cử như nếu chúng tôi lo phần giáo viên, giáo trình thì các đơn vị bạn giải quyết khâu tuyển sinh, tìm nguồn hỗ trợ kinh phí… Bởi vậy, mỗi lớp học mở ra đều đúng, trúng nhu cầu của người học”. Giống như xã Vị Tân, TTHTCĐ xã Thuận Hưng (huyện Long Mỹ) và xã Vĩnh Thuận Tây (huyện Vị Thủy) cũng thu hút hàng trăm học viên tham gia các hoạt động học tập, tập huấn kiến thức. TTHTCĐ xã Thuận Hưng tập trung mở các lớp dạy nghề ngắn hạn, các lớp tập huấn kiến thức phòng chống bạo lực gia đình và tuyên truyền sức khỏe vị thành niên, tuyên truyền văn hóa giao thông… Chị Lư Hồng Diễm, 29 tuổi, ở ấp 9, xã Thuận Hưng, cho biết: “Do bị tai nạn khi tham gia lao động ở nước ngoài nên tôi bị mất 47% sức lao động, không thể làm được việc nặng nhọc. Nhờ TTHTCĐ mở lớp dạy đan lục bình mà nay tôi đã có việc làm ổn định”. TTHTCĐ xã Vĩnh Thuận Tây thì mở các lớp xóa mù chữ, phổ cập THCS, phối hợp tổ chức các lớp chứng chỉ A Anh văn, chứng chỉ A tin học… Ngoài ra, trung tâm phối hợp và thực hiện tuyên truyền thành lập các câu lạc bộ (CLB) khuyến nông, CLB rau màu, CLB sản xuất lúa giống, CLB võ thuật… Hiện, 74/74 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã xây dựng được TTHTCĐ. Ông Phạm Văn Mách, Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên - Giáo dục chuyên nghiệp (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang) cho biết: “Để mô hình HTCĐ phát huy hiệu quả, sắp tới chúng tôi phối hợp xây dựng mô hình trung tâm văn hóa thể thao gắn với HTCĐ nhằm phối hợp hỗ trợ kinh phí, tận dụng điều kiện cơ sở vật chất của nhà văn hóa, đảm bảo điều kiện học tập cho người dân”. Cao Oanh Nguồn:kinhtenongthon.com.vn | ||
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn