Thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đến nay, huyện Yên Thành đã mở được 14 lớp dạy trồng nấm.
Trồng nấm đang trở thành nghề cho thu nhập cao của ND Yên Thành. |
Trồng nấm trở thành một nghề
Trước nhu cầu trên, UBND huyện Yên Thành đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Trung tâm Giống nấm Bắc Giang, các đầu mối tiêu thụ nấm cũng đã được hình thành trong huyện. Hướng đi mới này đang mở ra cơ hội cho ND làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Lãnh đạo UBND huyện Yên Thành cho biết, huyện đã tiến hành xây dựng “Đề án Phát triển sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu trên địa bàn huyện giai đoạn 2011- 2015”, nhằm chuyển dịch cơ cấu cây trồng sang trồng nấm. Bằng việc tạo điều kiện chuyển đổi diện tích đất trồng lúa năng suất thấp sang trồng nấm, tạo cơ hội tiếp cận nguồn vốn cho người dân, xây dựng các chương trình hỗ trợ về vốn, cơ sở hạ tầng… huyện đã triển khai sản xuất nấm trên quy mô 14 xã, tiến tới đưa việc trồng nấm trở thành một nghề ở nông thôn.
Hình thành trang trại, gia trại
Chúng tôi được giới thiệu đến thăm cơ sở trồng nấm của anh Nguyễn Thọ Hạnh ở xóm Sơn Thành, xã Nam Thành, một trong những hộ làm ăn hiệu quả từ trồng nấm. Anh Hạnh cho hay mình quyết định đầu tư trồng nấm từ đầu năm 2011. Ban đầu, mỗi vụ (4 tháng) anh làm từ 10-15 tấn nguyên liệu, thu lãi khoảng 100 triệu đồng.
Anh Hạnh tâm sự: “Tôi học nghề trồng nấm theo Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại Trường Trung cấp Nghề kỹ thuật công- nông nghiệp huyện Yên Thành. Sau khi hoàn thành khóa học, tôi được xã tạo điều kiện cho mượn khu đất bỏ hoang của Trường THCS Nam Thành làm nơi sản xuất, đồng thời được hỗ trợ 100% vốn và 50% tiền giống.
Được tiếp sức, tôi thành lập cơ sở sản xuất nuôi trồng và chế biến nấm. Trung bình, cơ sở của tôi sử dụng trên 200 tấn nguyên liệu/năm, chủ yếu trồng nấm sò, mộc nhĩ, nấm rơm, nấm mỡ và linh chi. Cơ sở tạo việc làm ổn định cho 10-15 lao động. So sánh với các loại cây trồng xuất khẩu như cà chua bi, ớt, dưa chuột bao tử... trồng nấm có lợi thế hơn về thời gian, chi phí đầu tư, công chăm sóc, ít gặp rủi ro và lợi nhuận cao”.
Anh Hạnh cho biết, 100m2 nấm sò sử dụng khoảng 10 tấn nguyên liệu, chi phí cho 10 tấn nguyên liệu, công pha chế, đóng bịch đến hấp sấy, vận chuyển và cấy giống đến trích nấm khoảng 20 triệu đồng. Mỗi nhà 100m2 thu từ 3,5-4 tấn nấm. Với giá 30.000 đồng/kg, trừ chi phí, anh lãi khoảng 40 triệu đồng.
Theo anh Hạnh, kỹ thuật trồng, chăm sóc không phức tạp, quan trọng nhất là phải nắm chắc quy trình kỹ thuật từ pha chế nguyên liệu, đóng bịch, vào phôi, đến trích, sấy...
Ông Phan Thế Trung - Chủ tịch UBND xã Nam Thành cho biết, nhiều gia đình trong xã đã bỏ nghề nuôi rắn và khai thác đá để trồng nấm. Từ 80 hộ ban đầu, đến nay toàn huyện Yên Thành đã có trên 300 hộ trồng nấm, sắp tới sẽ tăng lên 500-600 hộ, trải rộng trên địa bàn 14 xã. Không chỉ anh Hạnh, nhiều hộ đã đầu tư lớn mở cơ sở trồng nấm, như anh Thái Việt Mỹ (xã Khánh Thành), mỗi năm sử dụng trên 100 tấn nguyên liệu, doanh thu 500-600 triệu đồng, thu lãi 200-300 triệu đồng/năm.
Tiến Dũng
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn