Sau khi thông thạo kỹ thuật, năm 2001, ông Tuấn tiếp tục chặt bỏ vải thiều để trồng loại cây có múi này, hiện ông có gần 1.500 cây cam đường Canh. Từ năm 2001 đến nay, năng suất và sản lượng cam đường Canh liên tục tăng, điển hình là 3 năm gần đây, gia đình ông Tuấn thu về 500 triệu đồng/năm.
Tâm sự với chúng tôi, ông Tuấn cho biết: “Trồng cam đường Canh tuy vất vả hơn so với vải thiều, nhưng bù lại, giá trị kinh tế thu về cao gấp hàng chục lần so với trước. Nhờ đó mà kinh tế gia đình dần ổn định, có điều kiện mua sắm phương tiện sinh hoạt, mở rộng sản xuất”.
Không chỉ tập trung thâm canh cây ăn quả, những năm gần đây, ông Tuấn còn ghép cây giống và đã sản xuất ra nhiều loại cây ăn quả có múi đang được thị trường ưa chuộng như: cam đường Canh, cam Vinh, cam V2, chanh đào, bưởi da xanh… Có thời điểm, vườn cây giống nhà ông có trên 10 vạn cây con, đáp ứng nhu cầu người dân trong và ngoài huyện với giá cả hợp lý. Ai đến thăm vườn và mua cây giống, ông Tuấn đều tư vấn kỹ càng về kỹ thuật trồng, chăm sóc, cho ra trái đúng thời điểm...
Hàng chục hộ dân ở các xã Tân Quang, Mỹ An, Quý Sơn, Phì Điền… mua cây giống nhà ông Tuấn, được ông đảm bảo về chất lượng nên đã trồng thành công, cho hiệu quả kinh tế khả quan. Chia sẻ về kỹ thuật làm cây giống, ông Tuấn cho biết: “Muốn có cây giống bảo đảm chất lượng, trước tiên người làm vườn phải lựa chọn những cây giống khoẻ, sạch bệnh, sau đó lựa chọn mắt ghép từ cây mẹ đã được tuyển chọn (năng suất cao, chất lượng quả tốt) rồi mới ghép vào cây con. Sau khi ghép xong thì chăm sóc và tỉa mầm ngoài mắt ghép, tạo điều kiện cho mầm từ mắt ghép phát triển nhanh”.
Đức Thọ
(kinhtenongthon.com.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn