Sáng tạo không ở đâu xa mà bắt đầu từ chính nhu cầu thực tế của người nông dân như câu chuyện làm máy nông nghiệp của ông Tư Hùng.
Gọi ông Tư Hùng là
giám đốc cũng được mà nông dân cũng chẳng sai, bởi ông là nông dân chính hiệu và cũng là Giám đốc DNTN Tư Hùng (huyện Tân Châu, Tây Ninh).
Thập niên 1980, khi khai phá vùng Đồng Tháp Mười, ông Hùng là thợ lái máy cày nên rất hiểu lợi ích của việc cơ giới hóa đồng ruộng, giúp nông dân giảm công việc nặng nhọc và bớt chi phí thuê nhân công. Tuy nhiên, mỗi khi về Tây Ninh làm mía, ông chỉ giúp được gia đình cơ giới hóa một việc duy nhất là vỡ đất, còn tất cả các công đoạn khác như: băm gốc mía, bón phân, gieo giống, cày cấy… đều phải dùng đến sức người. Những trải nghiệm ấy càng khiến ông nuôi ước mơ: tất cả các công đoạn làm ruộng đều có máy móc thay thế. Chiếc máy cày là thứ ông nghĩ đến đầu tiên. Mía thường được trồng theo luống, khoảng cách từ 0,9 – 1 mét, đủ cho một con bò cùng dàn xới cỏ đi lọt. Ông nảy ra ý tưởng mua một máy cày tay loại nhỏ để thay thế cho bò, sau đó lắp thêm giàn xới tương thích để chăm sóc mía. Nhưng chiếc máy cày hoạt động không ổn định trên nền đất trồng mía (thường mấp mô), khiến cây liên tục bị đổ và làm ý định của ông cũng đổ theo. Đang lúc chán nản, thì Công ty Đường Bourbon xây dựng tại Tây Ninh và tuyển người lái máy cày, ông dễ dàng kiếm được
việc làm. Được tiếp cận các loại máy móc mới đã khiến ông có những ý tưởng mới và chế ra giàn máy băm gốc mía kết hợp cày ra, với nguyên lý hoạt động dựa trên tập quán canh tác của nông dân.
Ông cho biết: “Sau khi bà con thu hoạch mía xong, thường để lại gốc. Muốn làm vụ mới, chủ vườn phải thuê nhân công chặt băm sát gốc. Nhưng cách làm này không hiệu quả vì bỏ sót gốc và chậm. Vậy là tôi chế tiếp giàn máy băm gốc”. Đầu óc
sáng tạo khiến ông tiếp tục mày mò nghiên cứu để chế tạo tiếp một giàn chảo cày ra, lắp phía sau hộp nhông để khi kéo dàn cày sẽ xới tung đất, sẽ không bỏ sót gốc mía thừa nào. Năm 1999 – 2000, giàn băm gốc mía kết hợp cày ra mang nhãn hiệu Tư Hùng được bà con nông dân vùng Đông Nam Bộ đón nhận. Có vốn, ông bắt đầu sản xuất giàn rạch hàng cày sâu kết hợp bón phân, tức quy trình này tiếp nối quy trình trước.
Ông cũng điều chỉnh thiết kế để máy bón phân hoạt động nhịp nhàng, hợp lý. Nhờ kiên trì sáng tạo theo
nhu cầu thực tế, dàn máy của ông ngày càng hoàn thiện. Từ đó không còn bà con nông dân nào phàn nàn về chất lượng máy nữa. Từ thành công này, ông đem máy ứng dụng vào việc chăm bón cây cao su, cũng được nhà vườn đón nhận.
Tuy nhiên, để tạo ra những loại máy cho nông dân, ông phải lặn lội trên nhiều loại ruộng ở các tỉnh thành để tìm hiểu những loại máy nông nghiệp khác nhau. Cái khó là có những loại máy chỉ thích hợp trên ruộng lúa, còn đưa về đất gò, mấp mô là không hoạt động được. Ông Hùng bèn cải tiến liên tục để chọn ra những điểm tốt nhất của mỗi loại máy, từ đó tạo nên chiếc máy phù hợp cho từng vùng, miền.
Có thể nói, chính sự
đam mê và cả cuộc đời gắn với nghề nông đã giúp ông trở thành một “nông dân sáng tạo”, một giám đốc tay ngang nhưng rất biết “chiều chuộng” bà con nông dân.
Minh Phương
Nguồn dddn.com.vn