Ông Lường Văn Đôi chia sẻ, trước gia đình ông cũng chăm chỉ trồng ngô, sắn, chưa chú ý đến chăn nuôi. Năm 2009, ông Lường quyết định mua vài đôi lợn mán về nuôi. Lợn nuôi cứ thả rông, ăn cũng ăn tạp, ít ốm đau, bệnh tật. Lợn nuôi lớn, ông Đôi thấy giá bán lại cao, gấp rưỡi, gấp 2 lần so với các giống lợn nuôi trại công nghiệp. Khi có được chút vốn liếng, ông Lường tiếp tục đầu tư mua thêm lợn mán giống về nuôi. Từ nuôi lợn thịt, ông Đôi nuôi thêm lợn mán sinh sản. "Đến nay, tôi đã có một số lượng lớn đàn lợn mán để cung cấp thịt thương phẩm ra thị trường trong những ngày cận kề Tết âm lịch 2018 này...", ông Đôi cho hay.
Trong chăn nuôi lợn mán, ông Đôi không nuôi theo kiểu công nghiệp mà nuôi theo kiểu “con nhà nghèo”. Thức ăn cho đàn lợn mán rất đơn giản, dễ kiếm, phổ biến nhất là cây chuối rừng, cỏ voi, dây khoai lang, rau muống...Có thể cho đàn lợn mán ăn sống hoặc nấu chín với cám ngô, cám gạo, bột đậu tương...Mỗi ngày cho lợn ăn 3 bữa, rồi ông Đôi "tháo khoán tự do" thả chúng đi lang thang trong vườn, ngoài rừng để tự kiếm ăn thêm cây rừng, củ, quả, lá...Cách làm này khiến đàn lợn ít tích mỡ, tăng lượng nạc, thịt săn chắc, thơm ngon như thịt thú rừng.
Ông Đôi đang quan sát đàn lợn mán trong chuồng
Để lợn sinh trưởng và phát triển tốt, không xảy ra dịch bệnh, ông Đôi làm chuồng nuôi nhốt xa nhà vào ban đêm chứ không thả rông hay nhốt dưới gầm sàn như một số hộ dân khác trong bản. Dãy chuồng lợn, được ông chia làm nhiều khu phù hợp với độ tuổi của lợn. Trong chuồng nhà ông lúc nào cũng có từ 40 - 45 con lợn mán. Ông Đôi mua lợn giống từ các gia đình trong bản về nuôi thương phẩm. Đều đặn mỗi ngày 2 lần, ông Đôi dọn dẹp vệ sinh chuồng trại, thu gom phân lợn bón rau và vườn cây quanh nhà.
Hàng ngày ông Đôi đều đi cắt cỏ voi làm thức ăn cho đàn lợn mán, hầu như ông không dùng đến cám công nghiệp trong chăn nuôi
Lợn mán là con đặc sản được ưa chuộng trong dịp tết. Với ưu điểm thịt lợn mán đảm bảo sạch, thơm ngon, săn chắc, nên thịt lợn mán rất được nhiều khách hàng ưa chuộng và bán rất chạy. Nhất là trong những ngày giáp tết âm lịch. Có rất nhiều thương lái đã đi gom hàng trong các bản làng xa xôi về để bán ra thị trường.Vì thế mà giá bán lợn mán cũng cao và ổn định hơn.
Nhờ cách chăm sóc tốt và đúng kỹ thuật, nên đàn lợn mán của gia đình ông Đôi phát triển rất khỏe mạnh, chờ đến ngày bán ra thị trường trong dịp tết âm lịch
Trao đổi với Dân Việt, ông Lường Văn Đôi cho biết thêm: Từ khi nuôi lợn mán đến nay, đàn lợn nhà tôi do được chăm sóc tốt nên chưa có lứa nào bị thua lỗ do dịch bệnh hay rớt giá. Hiện nay, giá thịt lợn mán trên thị trường dao động từ 120.000 đồng – 200.000 đồng/kg. Nhất là trong thời điểm Tết, có rất nhiều khách hàng ngoài huyện gọi điện đặt hàng nhưng tôi không còn lợn để bán cho họ. Trung bình mỗi năm, sau khi trừ chi phí tôi lãi hơn 120 triệu đồng từ chăn nuôi đàn lợn mán...
Tác giả bài viết: Hà Hoàng
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn