Ông Lê Đức Giáp quê ở thôn Bãi, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, một vùng quê nổi tiếng với nhiều vườn cam sai trĩu quả. Trước đây, gia đình ông Giáp làm nghề nông. Vùng đất chiêm trũng gặp nhiều khó khăn nên hiệu quả sản xuất không cao. Năm 2000, ông Giáp cùng Hội Nông dân xã tham quan mô hình trồng cam ở huyện Văn Giang, Hưng Yên. Tận mắt nhìn thấy những cây cam sai quả, tính ra một cây bán được khoảng 1,3 triệu đồng, hiệu quả cao hơn nhiều so với trồng lúa, ông Giáp quyết tâm tìm hiểu kỹ thuật để học tập rồi mua cây giống về trồng.
Khó khăn ban đầu ông Giáp gặp phải là thổ nhưỡng ở Cao Viên khác hẳn Văn Giang. Đất đai tại Cao Viên là đất rắn không phải đất bồi nên các khâu xử lý kỹ thuật khó khăn, chỉ đạt 60-70% yêu cầu. Không chịu lùi bước, ông Giáp vận dụng những kỹ thuật được biết, tiện lại cây, xử lý cây lấy quả. Năm 2002, với quy mô ban đầu là 1000m2, cuối năm, vừa bán quả và cây cam cảnh, trừ chi phí, gia đình ông Giáp thu lãi 75 triệu đồng.
Thừa thắng xông lên, ông Giáp tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất. Năm 2012, ông đã nâng diện tích lên 1 ha với nhiều loại cây như cam Canh, bưởi Diễn, chanh đào, trong đó chủ đạo là cam Canh. Với 5.000 m2 (500-600 gốc cây cam ăn quả, 200 gốc cây cảnh) cùng 5.000 m2 cây giống, trừ chi phí, gia đình ông Giáp dự tính thu lãi 500 triệu đồng.
Không dừng lại ở việc thành công với vườn cam 1 ha của mình, ông Giáp còn học hỏi, tìm tòi để ghép nhiều loại quả trên một cây tạo thành cây “ngũ quả”. Mỗi cây ngũ quả có giá từ 1-8 triệu đồng/cây.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Giáp còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động. Với diện tích 1 ha trồng cam, ông Giáp thuê 2 nhân công làm quanh năm, 10-15 nhân công theo thời vụ cùng 20-30 người làm kỹ thuật ghép mắt với mức lương khoảng 4-7 triệu đồng/tháng. Thấy mô hình trồng cam đạt hiệu quả cao, ông Giáp chủ động hướng dẫn, giúp đỡ hàng trăm hộ gia đình khác phát triển sản xuất. Nhiều nông dân ở xã Cao Viên đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang trồng cam, thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Hiện nay, mô hình trồng cam Canh của hộ ông Giáp đã được nhân rộng ra toàn xã Cao Viên, giúp bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế đạt hiệu quả cao. Nhiều nông dân ở địa phương khác cũng không quản ngại khó khăn đến tìm hiểu, học tập để áp dụng vào địa phương mình. Những ngày gần Tết, hộ ông Giáp luôn tất bật bởi các đoàn khách đến tham quan và tư thương các nơi đến mua cam tiêu thụ. Thương hiệu cam Canh Cao Viên nổi tiếng trên khắp thị trường và là điểm đến lý tưởng của người mua.
Từ năm 2005 đến nay, ông Giáp vinh dự nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của xã, huyện, Hội Nông dân, UBND Thành phố, Bộ Nông nghiệp & PTNT và Thủ tướng Chính Phủ. Gần đây nhất, ông Giáp đã được bầu chọn là một trong 10 công dân ưu tú thủ đô năm 2012. Đó là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực không ngừng của người nông dân giàu sức sáng tạo này.
|
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn