Khơi thông những ách tắc
Trong lúc người mua và người bán đều mù mờ thông tin, doanh nghiệp không biết được sẽ mua ở đâu, mua của ai và mua như thế nào thì nông dân cũng loay hoay với những câu hỏi: sản phẩm làm ra bán cho ai, bán như thế nào, giá cả bao nhiêu. Mãi đến khi mô hình cánh đồng liên kết ra đời thì những trăn trở trên mới có lời giải đáp.
Nếu như ở An Giang, mô hình này được gọi là cánh đồng mẫu lớn, hướng đến quy mô và số lượng thì ở Đồng Tháp, nó mang tên là cánh đồng liên kết. Sở dĩ như vậy là do tỉnh luôn đặt nặng vấn đề hợp tác giữa người mua và người bán, dù quy mô lớn hay nhỏ.
Mô hình cánh đồng liên kết được triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 2011. Lúc đầu chỉ có vài nghìn ha thực hiện. Trong những năm qua, mô hình này đã phát huy những hiệu quả thiết thực, nông dân tin tưởng và tham gia ngày càng đông. Theo kế hoạch trong năm 2014, toàn tỉnh sẽ có 80.000 ha thực hiện liên kết với khoảng 150 cánh đồng. Riêng vụ Đông Xuân 2013 – 2014, diện tích tham gia đã hơn một nửa.
Tham gia mô hình liên kết từ những ngày đầu mới triển khai, ông Huỳnh Văn Sang - xã viên của Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Bình (xã Phú Đức, huyện Tam Nông) luôn an tâm khi đầu ra đã được ổn định thông qua hợp đồng ký kết với doanh nghiệp bởi nói như Giáo sư Võ Tòng Xuân thì “Đầu ra của nông sản là mối lo hàng đầu của mọi nông dân ở bất cứ quốc gia nào”.
Ông Huỳnh Văn Sang cho biết, việc ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản làm cho nông dân giảm bớt gánh nặng, bởi không còn cảnh chạy lo bán lúa như trước. Mặt khác, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu Võ Thị Thu Hà mua lúa của nông dân cao hơn giá thị trường 200 đồng/kg.
Không chỉ ổn định đầu ra mà chi phí, giá thành sản xuất cũng thấp hơn so với những cánh đồng ngoài liên kết, người nông dân dần từ bỏ được những thói quen canh tác cố hữu và làm quen với khoa học kỹ thuật, hướng tới một nền sản xuất hiện đại.
Mỗi năm, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tân Cường (xã Phú Cường, huyện Tam Nông) đầu tư khoảng 06 tỷ đồng cho hoạt động quản lý sản xuất và cung cấp vật tư đầu vào từ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, làm cho giá vật tư nông nghiệp được giảm xuống và chất lượng cũng đảm bảo hơn so với các sản phẩm tràn lan ngoài thị trường.
Vụ Đông Xuân 2013 – 2014, ông Phạm Văn Tuấn Hải, xã Phú Cường, huyện Tam Nông canh tác được 5,5 ha lúa, sau khi trừ các khoản chi phí, ông có lãi 40 triệu đồng. Ông Hải vui vẻ nói, hợp tác xã luôn quan tâm hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân, nhờ làm đúng quy trình nên giảm chi phí vật tư nông nghiệp, chất lượng lúa nâng cao, bán được giá hơn. Mặt khác, hợp tác xã cung cấp vật tư rẻ hơn ngoài thị trường nên mỗi ha có thể giảm được 400.000 đồng, giúp hạ giá thành sản xuất.
Tin vui cho người dân nơi đây khi cuối năm 2015, Dự án cạnh tranh nông nghiệp do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ sẽ hoàn thành, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của nông dân sản xuất nhỏ, khả năng tiếp cận thị trường thông qua việc liên kết sản xuất với các doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ mới, tổ chức lại nhóm sản xuất của nông dân và liên kết với các doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ một phần cơ sở thiết yếu cho sản xuất.
Dự án được triển khai trên diện tích 1.200 ha, chi phí đầu tư là 30 tỷ đồng với các công nghệ sản xuất hiện đại như: máy xay xát, máy sấy và máy trang hoàn đồng ruộng bằng laze v.v. tạo một quy trình đồng bộ, khép kín trong chuỗi sản xuất lúa gạo. “Đây sẽ là cơ sở để hợp tác xã sản xuất lúa ổn định, chất lượng cao, phát triển bền vững” - ông Nguyễn Văn Trãi, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tân Cường phấn khởi.
Xây dựng “lòng tin” trong cánh đồng liên kết
Điều này liên tục được nhắc đến khi quá trình liên kết trong thời gian qua xuất hiện nhiều lỗ hổng, điển hình nhất là không thực hiện theo hợp đồng đã ký kết.
Trong vụ Đông Xuân này, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bình Thành (huyện Lấp Vò) ký hợp đồng tiêu thụ với 04 doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến khi lúa đã vàng đồng thì chỉ có 02 doanh nghiệp thực hiện thu mua, còn lại thì đưa ra giá thấp hơn so với thị trường rồi tự bỏ hợp đồng – ông Nguyễn Văn Đời, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bình Thành tỏ ra bức xúc.
Trường hợp của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thành Lập (xã Tân Công Chí, huyện Tân Hồng) cũng tương tự. Ông Võ Thành Phương – Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thành Lập kể lại, trong vụ Đông Xuân 2013 – 2014, Hợp tác xã có ký kết hợp đồng tiêu thụ với Công ty Cổ phần Docimexco; tuy nhiên, Công ty không thực hiện thu mua với lý do độ thuần không đạt yêu cầu, buộc nông dân phải bán lúa cho thương lái để trang trải chi phí.
Để “vá” những lỗ hổng của mô hình liên kết, ông Nguyễn Văn Công – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, cần tăng cường quản lý nhà nước trong quá trình thực hiện, xây dựng các hợp tác xã đủ mạnh để đại diện cho nông dân, hợp đồng cần phải chặt chẽ, cơ sở pháp lý cao hơn và trên hết là doanh nghiệp và nông dân phải xây dựng bằng được lòng tin với nhau.
Ông Công cho biết thêm, sắp tới tỉnh sẽ xây dựng mô hình “nâng quy mô sản xuất trên từng nông hộ” bởi lẽ hiện tại, 70% nông dân đang canh tác dưới 01 ha đất nông nghiệp, rất khó để áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, dẫn đến hiệu quả sản xuất không cao. Khi quy mô sản xuất được nâng lên trên 03 ha/hộ, nông dân sẽ được ký hợp đồng trực tiếp với doanh nghiệp, nâng cao tính pháp lý, đảm bảo cho hợp đồng được thực thi.
Một giải pháp cũng đang được kỳ vọng là sự ra đời của website cung cấp thông tin thị trường về các mặt hàng nông sản, bao gồm giá cả, diện tích gieo trồng, thời điểm thu hoạch v.v. qua đó giúp dự báo, định hình về nhu cầu, giá cả của các loại nông sản để tiến hành sản xuất hợp lý, tránh cung vượt cầu.
Tỉnh đang tập trung thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cốt lõi của đề án là liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản. Những lợi ích của mô hình cánh đồng liên kết đã thấy rõ, song những bất cập cũng đã được nhận diện, các ngành chức năng đang xắn tay vào cuộc để vạch ra nhiều lối đi mới nhằm hướng tới một nền sản xuất hiệu quả, mang lại lợi ích thật sự cho nông dân.
Nguồn: dongthap.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn