Một trong những hộ đầu tiên trồng thanh long ruột đỏ quy mô lớn trên đất lúa là anh Vũ Văn Tuyến ở thôn Ngoại Trung, xã Thống Nhất (huyện Hưng Hà). Hiện, anh có 600 trụ thanh long từ 1 - 5 năm tuổi, trong đó có 550 trụ thanh long ruột đỏ, 50 trụ thanh long ruột trắng, được trồng trên diện tích đất chuyển đổi (đất cấy lúa hiệu quả thấp). Năm 2011, với 1 mẫu (3.600m2) thanh long trồng xen rau màu, bí, quất, gia đình anh thu gần 300 triệu đồng. Năm nay thời tiết thuận lợi, cây sinh trưởng phát triển tốt hơn, số quả trên trụ nhiều, với giá trên dưới 30.000 đồng/kg, dự kiến mùa thanh long năm nay cho thu khá hơn năm trước. Để có thành công như hôm nay, anh Tuyến đã từng trải qua bao ngày tháng đi làm thuê, làm mướn cho chủ vườn thanh long ở Bình Thuận, rồi mang giống về trồng thử tại vườn của gia đình, thấy cây phát triển tốt, sau 1 năm đã ra hoa, đậu quả, anh khẳng định cây thanh long phù hợp với đất đai, khí hậu Thái Bình. Năm 2006, gia đình anh mạnh dạn chuyển 2 sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2) đất lúa sang trồng thanh long và đến nay đã phát triển được 1 mẫu thanh long ngay trước cửa nhà. Anh Tuyến tâm sự: "Trồng cây thanh long rất đơn giản, chi phí đầu tư thấp (80.000 - 100.000 đồng/trụ, trụ bằng bê- tông cốt sắt). Sau 1 năm cây đã cho thu hoạch; nếu chăm sóc tốt thì thanh long có thể cho thu hoạch đến 20 năm, tuy nhiên năng suất từ năm thứ 7 trở đi giảm dần". Người thứ hai thành công với mô hình trồng thanh long ruột đỏ và cả ruột tím quy mô lớn ở Thái Bình là anh Trịnh Tiến Mạnh ở thôn Hóa Tài, xã Thụy Duyên (huyện Thái Thụy). Trên diện tích đất chuyển đổi của mình, anh Mạnh đang sở hữu 500 trụ thanh long ruột tím (nhập từ Malaysia), 50 trụ thanh long ruột đỏ và bắt đầu cho thu hoạch. Ước tính năm đầu (2012) mỗi trụ cho 5kg quả, với giá bán tại vườn 30.000 đồng/kg thì mỗi trụ đã thu về gần 150.000 đồng. Như vậy theo anh Mạnh, mới thu hoạch năm đầu đã bù đắp đủ chi phí (gồm tiền giống, phân bón, trụ và có lãi.
Anh Mạnh khẳng định, thanh long phù hợp với đồng đất Thái Bình và xu hướng phát triển hiện nay ở phía Bắc là thanh long ruột tím, đỏ: vừa dễ trồng, chi phí đầu tư thấp, số lứa cho thu hoạch cũng nhiều hơn và giá bán cũng cao hơn so với thanh long ruột trắng. Như vậy, với đặc điểm đất đai và khí hậu, với đặc tính sinh học của thanh long và thực tiễn sản xuất, có thể khẳng định, cây thanh long có thể trồng được ở Thái Bình. Tuy nhiên, không thể phát triển tràn lan khi chưa có chủ trương của ngành nông nghiệp và của tỉnh, mà nhất là phát triển trên đất hai lúa khi chưa có quy hoạch. Qua đây cũng mong các cấp, ngành, nhất là ngành nông nghiệp, quan tâm nghiên cứu, tổng kết các mô hình trên để có định hướng, quy hoạch phát triển cây thanh long ruột đỏ tại Thái Bình.
| |||||
Nguồn:kinhtenongthon.com.vn | |||||
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn