Ảnh minh họa |
Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đề án nhằm đổi mới căn bản tổ chức, hoạt động quản lý Nhà nước về dân cư, đơn giản hóa TTHC, giảm giấy tờ công dân, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; đồng thời, góp phần phát triển Chính phủ điện tử ở Việt Nam.
Có số định danh cá nhân, người dân không phải khai nhiều lần các thông tin cơ bản của mình, không phải sao, chụp, chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ công dân khi thực hiện khoảng 1.300 thủ tục hành chính (TTHC), giúp tiết kiệm 1.600 tỷ đồng/năm.
Ban Chỉ đạo thực hiện đề án sẽ được thành lập do 1 Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, các Phó Trưởng ban là: Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Bộ trưởng Bộ Công an; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Giảng dạy phòng, chống tham nhũng từ năm học 2013 – 2014
Sau 3 năm triển khai thí điểm thực hiện Quyết định 137/2009/QĐ- TTg ngày 2/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng (Đề án 137) đến nay đã có đủ điều kiện để đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo (từ cấp trung học phổ thông trở lên).
Theo Chỉ thị 10/CT- TTg vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành, nội dung phòng, chống tham nhũng được đưa vào giảng dạy từ năm học 2013 – 2014.
Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho cư dân nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực (bao gồm cả an ninh dinh dưỡng) cả trước mắt và lâu dài, góp phần giảm tỷ lệ đói nghèo.
Mục tiêu của Đề án là phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành bình quân từ 2,6-3%/năm trong giai đoạn 2011-2015, từ 3,5-4%/năm trong giai đoạn 2016-2020.
Đến năm 2020, thu nhập hộ gia đình nông thôn tăng lên 2,5 lần so với năm 2008; số xã đạt tiêu chí nông thôn mới là 20% vào năm 2015 và 50% vào năm 2020.
Mục tiêu phát triển bền vững cần phải được áp dụng xuyên suốt trong tái cơ cấu từng lĩnh vực trên cả ba khía cạnh "kinh tế", "xã hội" và "môi trường".
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao UBND tỉnh Gia Lai khẩn trương kiểm tra, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong sự cố vỡ đập công trình thủy điện nhỏ Ia Krêl 2, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao UBND tỉnh Gia Lai khẩn trương kiểm tra, làm rõ nguyên nhân xảy ra sự cố vỡ đập công trình thủy điện nhỏ Ia Krêl 2; làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc để xảy ra sự cố và trách nhiệm các sở, ngành của tỉnh trong quá trình kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý đầu tư xây dựng tại công trình thủy điện Ia Krêl 2.
UBND tỉnh Gia Lai đánh giá thiệt hại và yêu cầu chủ đầu tư công trình thủy điện Ia Krêl 2 bồi thường thỏa đáng các thiệt hại do sự cố vỡ đập gây ra.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo kiểm tra, đánh giá chất lượng các công trình thủy điện nhỏ đã và đang xây dựng trên địa bàn tỉnh, không để xảy ra tình trạng sự cố tương tự.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu UBND tỉnh Thanh Hóa làm rõ nguyên nhân và xử lý nghiêm theo quy định về vụ tai nạn chết người ngày 7/6 tại mỏ đá xã Đông Quang, huyện Đông Sơn, đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương khắc phục hậu quả vụ tai nạn trên.
Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa và các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra việc tuân thủ các quy định về an toàn lao động đối với việc khai thác đá tại mỏ do công ty TNHH một thành viên Sông Mã thực hiện tại xã Đông Quang, huyện Đông Sơn và các mỏ khai thác đá trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa để chấn chỉnh, tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn cho người lao động, không để xảy ra tai nạn tương tự.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp yêu cầu các bộ quản lý ngành sớm trình Thủ tướng Chính phủ đề án tái cơ cấu doanh nghiệp theo ngành, lĩnh vực không phân biệt cấp, cơ quan quản lý.
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011-2015.
Đồng thời theo dõi, kịp thời nắm bắt và đề nghị các cơ quan liên quan giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu DNNN, đặc biệt là cổ phần hoá, thoái vốn.
Các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đẩy mạnh công tác sắp xếp, cổ phần hoá doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước giai đoạn 2011-2015 theo Phương án và Đề án tái cơ cấu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hằng quý báo cáo Ban Chỉ đạo, Bộ Tài chính kết quả thực hiện để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trong tháng 9/2013, Bộ Công Thương trình Chính phủ Đề án ưu tiên phát triển các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh cao giai đoạn 2013-2020.
Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình lưới điện, đảm bảo đồng bộ với tiến độ phát điện của các dự án nhà máy.
Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia tại Thông báo số 214/TB-VPCP.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và chủ đầu tư làm việc với UBND các tỉnh, thành phố để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng các dự án nguồn, lưới điện để bảo đảm cung cấp điện cho các tỉnh phía Nam; các công trình đấu nối các nhà máy điện chuẩn bị vào vận hành với hệ thống điện quốc gia và các công trình lưới điện bảo đảm cung cấp điện cho các thành phố lớn, các vùng trọng điểm kinh tế.
Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình lưới điện, đảm bảo đồng bộ với tiến độ phát điện của các dự án nhà máy.
Phó Thủ tướng giao Tổng Công ty Sông Đà khẩn trương làm việc với các bộ, cơ quan có liên quan của Việt Nam để thu xếp vốn, đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa vào vận hành các dự án thủy điện Xê Kaman 3, Xê Kaman 1, bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả theo đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Hoàng Diên
Theo chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn