Thành lập mới 12 Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy - Ảnh minh họa |
Theo Quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủphê duyệt, từ năm 2013 - 2015, thành lập mới 12 Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy tại các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đắk Lắk và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Cũng trong giai đoạn từ 2013 - 2015, sẽ tập trung xây dựng 3 trung tâm: 1- Trung tâm ứng cứu khẩn cấp phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ quôc gia (khu vực phía Bắc); 2- Trung tâm kiểm định phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ quốc gia; 3- Trung tâm Chỉ huy điều hành công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ quốc gia.
Theo quy hoạch này, sẽ thành lập mới 90 đội chữa cháy và 108 đội cứu nạn, cứu hộ chuyên nghiệp, tập trung ở các địa bàn trọng điểm cháy nổ và tối thiểu mỗi địa phương thành lập mới 1 đội. Ngoài ra, sẽ bổ sung quân số 8.575 người, trong đó có 6.657 biên chế và chiến sĩ nghĩa vụ là 1.918 người.
Bên cạnh đó, các phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cơ giới cũng được tập trung đầu tư trang bị với 205 xe chữa cháy, 121 xe cứu hộ, 5 xe chở nước, 44 xe thang...
Rà soát hiện trạng đất công ty nông, lâm nghiệp
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, kiểm tra đối với diện tích đất có nguồn gốc từ nông lâm trường quốc doanh, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (lấn chiếm, chuyển nhượng, cho thuê, cho mượn sai quy định...).
Bên cạnh đó, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương rà soát, kiểm kê hiện trạng đất và lập phương án quy hoạch sử dụng đất đối với diện tích đất chưa bàn giao cho công ty cổ phần, chưa bàn giao cho địa phương quản lý sau khi thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (công ty, nông lâm trường quốc doanh).
Ảnh minh họa |
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo Ủy ban Dân tộc hoàn thiện báo cáo về những bất hợp lý cần khắc phục trong chính sách giáo dục, đào tạo và đề xuất chính sách phát triển giáo dục vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012-2020.
Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Dân tộc cần nghiên cứu, giải trình, tiếp thu những ý kiến xác đáng của các Bộ, ngành có liên quan để hoàn thiện báo cáo theo hướng làm rõ các vấn đề về chính sách và về tổ chức thực hiện chính sách phát triển giáo dục, đào tạo vùng dân tộc và miền núi cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới, có ý kiến tham gia của các Bộ có liên quan.
Đồng thời, đánh giá kỹ tính khả thi của các chính sách đề xuất, tác động kinh tế - xã hội và dự kiến nguồn lực thực hiện chính sách đề xuất.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm tổng kết, đánh giá việc thực hiện chủ trương mua tạm trữ thóc, gạo vụ Đông Xuân năm 2011 - 2012, vụ Hè Thu năm 2012 vừa qua.
Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc nghiên cứu, xây dựng Quy chế mua tạm trữ thóc, gạo và phương thức mua tạm trữ thóc, gạo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 146/TB-VPCP ngày 13/4/2012, số 232/TB-VPCP ngày 3/7/2012.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý tổ chức bình xét, tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng "Doanh nghiệp Du lịch hàng đầu Việt Nam" năm 2011.
Vụ Tổ chức hành chính nhà nước và công vụ - Văn phòng Chính phủ cho biết, mục đích tổ chức bình xét, tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng "Doanh nghiệp Du lịch hàng đầu Việt Nam" nhằm quảng bá, tôn vinh các doanh nghiệp có đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển du lịch Việt Nam nói riêng và khẳng định vị trí của ngành du lịch trong nền kinh tế quốc dân.
Ngày 6/8/2012, Báo điện tử Dân Việt đăng bài "Thanh Hóa: Một vụ lúa, nông dân phải đóng 17 khoản", phản ánh các hộ nông dân ở xã Trường Sơn, huyện Nông Cống, hàng năm phải đóng góp các khoản thu theo vụ quá cao.
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa kiểm tra sự việc nêu trên, nếu đúng phải có biện pháp xử lý, đồng thời đề xuất biện pháp chấn chỉnh chung trong cả nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/9/2012.
Giải quyết vụ việc chuyển nhượng đất cho thương nhân Trung Quốc
UBND tỉnh Bình Thuận đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả xác minh thông tin vụ ông Phạm Phú Thạnh chuyển nhượng đất đai cho Công ty TNHH Nguyên Long Sơn do ông Zhong Heng Shan quốc tịch Trung Quốc làm Giám đốc. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầuUBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo giải quyết dứt điểm việc chuyển nhượng đất đai nêu trên.
Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh giải quyết dứt điểm việc chuyển nhượng đất nêu trên theo đúng quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan.
Hoàng Diên
nguồn chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn