Thẻ học nghề nông nghiệp được cấp cho lao động nông thôn các tỉnh thí điểm sử dụng để tham gia các khóa học nghề nông nghiệp. Thẻ này có 3 loại (màu thẻ khác nhau) tương ứng với 3 đối tượng người học.
|
Hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân. Ảnh minh họa |
Nội dung trên được nêu trong dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn phát hành, quản lý và sử dụng thí điểm Thẻ học nghề nông nghiệp từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm và Dạy nghề. Dự thảo do liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính xây dựng. 3 loại thẻ Cụ thể, trong 3 loại thẻ, thẻ màu đỏ là thẻ cấp cho lao động nông thôn được hưởng chính sách ưu đãi, người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng) với mức tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học. Người được nhận thẻ đỏ được hỗ trợ tiền ăn với mức 15.000 đồng/ngày thực học/người, cũng như được hỗ trợ tiền đi lại theo giá vé giao thông công cộng với mức tối đa không quá 200.000 đồng/người/khóa học đối với người học nghề xa nơi cư trú từ 15 km trở lên. Thẻ màu xanh là thẻ cấp cho lao động nông thôn thuộc diện có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng) với mức tối đa 2,5 triệu đồng/người/khóa học. Còn thẻ màu vàng là thẻ cấp cho lao động khác được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng) với mức tối đa 2 triệu đồng/người/khóa học. Trên thẻ học nghề có các thông tin như: Họ và tên, năm sinh, số Chứng minh thư nhân dân, ảnh cỡ 3cm x 4cm, nơi cư trú hiện nay, đối tượng ưu tiên, thông tin về khoá học nghề (tên nghề, tên cơ sở dạy nghề)…
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, việc thí điểm cấp thẻ học nghề nông nghiệp đã được thực hiện tại 2 địa phương là Thanh Hóa và Bến Tre. Theo tổng hợp đến tháng 4/2012, tổng cộng đã tổ chức cấp thẻ cho hơn 6.600 học viên thuộc 4 huyện của 2 tỉnh này. |
Các lĩnh vực đào tạo gồm: Kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, lâm sinh, ngư nghiệp, diêm nghiệp; Chế biến nông, lâm, thủy sản; Quản lý tưới tiêu, cấp thoát nước và vệ sinh môi trường nông thôn; Quản lý và dịch vụ nông nghiệp.
Thủ tục đăng ký cấp Thẻ Về trình tự, thủ tục đăng ký cấp thẻ, dự thảo nêu rõ: UBND cấp xã có trách nhiệm cung cấp thông tin về quy hoạch, kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp của địa phương, quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở cấp xã, cũng như cung cấp thông tin về nghề, cơ sở đào tạo, các chính sách có liên quan để người lao động nông thôn lựa chọn nghề học, cơ sở dạy nghề phù hợp. Trên cơ sở đó, người lao động lựa chọn nghề học và đăng ký cấp thẻ học nghề với UBND xã. Sau khi rà soát, kiểm tra, lựa chọn người có nhu cầu học nghề, thống kê danh sách và xác nhận đối tượng, UBND xã tổng hợp nhu cầu học nghề nông nghiệp trên địa bàn gửi cơ quan chuyên môn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện để tổng hợp gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp Thẻ học nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn. Giá trị sử dụng Thẻ trong 1 năm Dự thảo quy định mỗi lao động nông thôn đủ điều kiện được cấp 1 Thẻ. Thẻ này có giá trị sử dụng trong vòng 1 năm kể từ ngày phát hành và chỉ được sử dụng cho lao động nông thôn trực tiếp tham gia các khóa học nghề nông nghiệp. Hiện nay dự thảo này đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố lấy ý kiến nhân dân. Trần Mạnh
Theo: chinhphu.vn