Trước yêu cầu phát triển một nền nông nghiệp hàng hóa trong khi lực lượng lao động nông nghiệp ngày càng giảm sút, bên cạnh cần phát huy các yếu tố “nước, phân, cần, giống”, cơ giới hóa trong các khâu sản xuất là một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng. Việc sử dụng máy móc vào sản xuất giữ vai trò khuyến khích sản xuất tập trung, quy mô lớn để tăng giá trị sản xuất nông nghiệp đồng thời giải phóng sức lao động trên đồng ruộng; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn…
Chính vì vậy, cùng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các địa phương, người dân cũng ngày càng nhận thức sâu sắc và mong muốn đầu tư mua sắm các loại máy nông cụ thiết yếu để phục vụ sản xuất, thâm canh, nâng cao năng suất và sản lượng.
Làm đất bằng máy rút ngắn thời gian bằng 1/3 lần so với làm thủ công |
Theo báo cáo của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, đến nay toàn tỉnh có 9.164 chiếc máy cày đa chức năng, trong đó có 97 máy có công suất từ 35 CV trở lên; 3.867 máy có công suất từ 12 CV đến dưới 35 CV; 5.200 máy có công suất dưới 12 CV. Có 7.283 máy gặt các loại, trong đó máy gặt đập liên hợp (GĐLH) 94 chiếc; máy tuốt lúa có động cơ 7.168 chiếc.
Kỹ sư Nguyễn Trí Hà, Trưởng phòng Trồng trọt - Sở NN&PTNT cho biết, thông thường việc làm đất trong mỗi vụ sản xuất kéo dài trong vòng từ 7- 10 ngày, song vụ hè thu năm nay, ngành đang lên kế hoạch chỉ đạo các địa phương huy động tối đa các phương tiện cơ giới làm đất nhanh gọn trong thời gian dưới 7 ngày kể từ ngày thu hoạch xong lúa đông xuân để tiến hành cấy lúa. Có thể nói với số lượng máy móc đã trang bị được, trong cuộc chạy đua gay cấn với lịch thời vụ, bà con nông dân tỉnh nhà sẽ có thêm một lực lượng hỗ trợ khá tích cực và hữu hiệu.
Với sự chỉ đạo quyết liệt cùng với một hệ thống chính sách thỏa đáng, Can Lộc là huyện đi đầu toàn tỉnh về phát triển các loại máy nông cụ với hơn 2.000 chiếc máy cày đa chức năng; trên 1.000 máy gặt các loại, đặc biệt 30 máy GĐLH đã có mặt tại địa phương, được huyện và xã hỗ trợ 50 triệu đồng/chiếc.
Theo ông Phan Văn Cường, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Can Lộc thì diện tích lúa bình quân đầu người của Can Lộc khá lớn, vì vậy yêu cầu về cơ giới hóa vào sản xuất là rất bức thiết.
Nhờ chỉ đạo thực hiện tốt phong trào cơ giới hóa nên huyện đã rút ngắn được thời gian làm đất cũng như thu hoạch trên 2 lần so với sử dụng sức kéo từ trâu, bò như trước đây.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng các xã như Bắc Sơn (Thạch Hà), Kỳ Giang (Kỳ Anh), Cẩm Hưng (Cẩm Xuyên)... đã tranh thủ được các chương trình hỗ trợ tín dụng, chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn, tạo điều kiện cho nông dân đầu tư mua sắm hàng trăm chiếc máy cày đa chức năng.
Theo đồng chí Dương Công Tự - Bí thư Đảng ủy xã Bắc Sơn (Thạch Hà), những năm qua, nhờ phát triển mạnh phong trào cơ giới hóa, khâu làm đất của xã, đặc biệt là vụ hè thu đã được rút ngắn, chỉ bằng 1/3 thời gian so với trước đây. Vụ hè thu 2012 xã sẽ có gần 100% diện tích đất được làm bằng máy. Do phần lớn các hộ sản xuất của xã đều có máy cày nên thường đến vụ hè thu, người dân Bắc Sơn còn tranh thủ đi làm đất cho bà con ở các xã lân cận nữa.
Để “trâu sắt” phát huy được ưu thế
Cơ giới hóa khâu làm đất và thu hoạch được coi là một trong những giải pháp tối ưu để đẩy nhanh quá trình sản xuất, né tránh thiên tai. Mặc dù những con số về tình hình phát triển cơ giới hóa thời gian qua là đáng phấn khởi, tuy nhiên so với yêu cầu thực tiễn sản xuất vẫn còn nhiều điều trăn trở. Tốc độ cơ giới hóa ở tỉnh ta thực chất chưa phát triển mạnh và đồng đều giữa các địa phương. Ở nhiều nơi, việc ứng dụng cơ giới hóa còn thiếu đồng bộ nên hiệu quả chưa cao.
Mặt khác, cơ giới hóa mới thực hiện được 4 khâu là làm đất, tưới tiêu, gặt, tuốt lúa, trong khi các khâu khác như gieo cấy, bảo vệ thực vật, bảo quản nông sản… tỷ lệ cơ giới hóa còn thấp.
Giá bán các loại máy nông cụ, đặc biệt là máy GĐLH hiện còn khá cao (từ 100 - 300 triệu đồng/máy), nhiều hộ dân có nhu cầu nhưng không đủ khả năng đầu tư. Về đất đai, mặc dù các địa phương đã tiến hành chuyển đổi đất nhiều lần, nhưng nhìn chung tình trạng ruộng đất vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, có nơi vẫn tồn tại gần chục thửa/hộ. Đây là trở ngại lớn nhất khi đưa cơ giới vào sản xuất, đặc biệt là máy GĐLH.
Máy gặt đập liên hợp đã phát huy tác dụng trên đồng đất Can Lộc trong nhiều năm qua |
Một điều đáng quan tâm là, không chỉ hạn chế về vấn đề phương tiện, một khi việc chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền không sâu sát, quyết liệt và bà con nông dân không chịu khó, khẩn trương thì dù có đảm bảo yếu tố máy móc, phương tiện thì yêu cầu về đẩy nhanh tiến độ sản xuất vụ hè thu năm nay cũng sẽ khó thành công.
Thực tế như vụ hè thu năm 2010, chính một số địa phương có ưu thế về phương tiện sản xuất lại bị chậm lịch thời vụ hơn so với các địa phương khác, và tất yếu là bị thiệt hại nặng nề.
Vì vậy ngay từ thời điểm này, cấp ủy, chính quyền các cấp cần quan tâm vào cuộc một cách quyết liệt, đặc biệt tuyên truyền nâng cao nhận thức của bà con nông dân về tính cấp bách của sản xuất vụ hè thu; kiện toàn và đầu tư mua sắm mới các phương tiện cơ giới để kịp thời phục vụ sản xuất.
Về lâu dài, cần có một chiến lược tổng thể cho sự phát triển cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp một cách đồng bộ và hiệu quả. Theo đó, cùng với một hệ thống chính sách phù hợp, cần xây dựng quy hoạch chi tiết các vùng sản xuất hàng hoá tập trung, vùng chuyên canh theo phương châm “cùng giống, cùng trà”. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi ruộng đất, dồn điền đổi thửa trên quy mô lớn. Tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông thôn phù hợp với việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất và giảm tổn thất trong khâu sau thu hoạch...
Nguyễn Oanh- Hữu Trung- Vũ Dũng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn