Đến nay cả nước vẫn có khoảng 9.200 hợp tác xã nông nghiệp với khoảng 7,3 triệu xã viên, trong đó có 70% hợp tác xã chủ yếu làm dịch vụ. Những năm trước đây, nhận thức chung về mô hình hợp tác xã nông nghiệp là sự chung vốn, góp sức của nông dân, hợp tác xã chủ yếu làm dịch vụ cho nông dân: từ dịch vụ thuê cày cấy, cung ứng phân bón, thuốc trừ sâu đến việc thu mua, phân phối sản phẩm, hàng hoá tiêu dùng.Thông qua hợp tác xã, người nông dân được hưởng lợi ích từ các dịch vụ, mua bán với giá cả hợp lý hơn, rẻ hơn ..với tính chất như vậy nên phạm vi hoạt động của các hợp tác xã thường bị bó hẹp, chủ yếu tự cung tự cấp, ít liên hệ với thị trường bên ngoài. Bởi thế khi bước vào thời kỳ hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn, sản xuất hàng hoá quy mô lớn, thì những mô hình hợp tác xã trước đây bộc lộ những bất cập như: bộ máy cồng kềnh, làm ăn nhỏ lẻ, chậm thích ứng với thị trường..Do vậy mô hình hợp tác xã cần phải được chuyển đổi để phát huy vai trò nòng cốt trong khu vực kinh tế tập thể, đóng góp tích cực hơn vào chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, hiện là chuyên gia tư vấn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cho rằng: “ Cần nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí và đặc điểm kinh doanh của các hợp tác nông nghiệp trong thời kỳ mới, thời kỳ kinh tế thị trường, hội nhập. Đó là tổ chức lại các hợp tác xã theo hình thức vừa làm dịch vụ, vừa kinh doanh để có lợi nhuận cho xã viên và hợp tác xã. Xây dựng các hợp tác xã có khả năng mở rộng sản xuất và tự nó phải chủ động liên kết với thị trường, liên kết với các doanh nghiệp,liên kết với tư thương, thì khi đó mới bảo vệ được quyền lợi của nông dân, khi đó mới tạo điều kiện cho nền sản xuất hàng hoá lớn, khi đó mới có nền nông nghiệp phát triển ổn định gắn với thị trường”.
Điểm khác biệt cơ bản của mô hình hợp tác xã kiểu mới (theo Luật hợp tác xã sửa đổi năm 1996) xã viên, người lao động trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác là những người có quyền sở hữu về tư liệu sản xuất tự nguyện góp vốn, góp sức lao động, trí tuệ, kinh nghiệm kinh doanh tham gia vào hợp tác xã. Theo mô hình này, kinh tế tập thể hợp tác xã không đối lập với kinh tế tư nhân mà là sự liên kết, hợp tác giữa các hình thức sở hữu, các quyền sử dụng đất đai, tài sản, vốn, sức lao động với hình thức tổ chức thích hợp, sản xuất tập trung; làm dịch vụ đầu vào, đầu ra, gia công một số công đoạn trong quy trình sản xuất và canh tác, giúp hộ xã viên giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực, tạo việc làm. Những năm gần đây cùng với chương trình xây dựng nông thôn mới, nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế chính sách nhằm khuyến khích mô hình hợp tác xã, trong đó chính sách quan trọng nhất đó là hỗ trợ vay vốn.
Ông Nguyễn Văn Biên, Phó chủ tịch Liên minh các hợp tác xã Việt Nam cho biết: “ Hiện nay Nhà nước có chủ trương chuyển quỹ tín dụng nhân dân thành ngân hàng hợp tác xã trên cơ sở hệ thống quỹ tín dụng nhân dân hiện có ở khắp các tỉnh, thành phố. Việc thành lập ngân hàng hợp tác xã sẽ huy động được sự tham gia của các hợp tác xã, đồng thời ngân hàng này cũng có đối tượng rõ ràng là phục vụ cho các hợp tác xã và qua đó hỗ trợ cho các hợp tác xã vay vốn tốt hơn”.
HTX kiểu mới cần sự hỗ trợ của mô hình ngân hàng HTX
Hiện nay trong 19 tiêu chí của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới như: đầu tư cơ sở hạ tầng, quy hoạch, dồn điền đổi thửa hình các cánh đồng mẫu lớn, hình thành các trang trại, làng nghề quy mô theo hướng chuyên canh.. nhằm đem lại hiệu quả, giá trị kinh tế cao hơn, thì việc xây dựng các hợp tác xã cũng phù hợp với tiến trình phát triển này.
Những năm qua, nhiều hợp tác xã đã thể hiện được vai trò quan trọng trong việc chuyển tải, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các chủ trương của Ðảng và chính sách của Nhà nước đến nông dân, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần quan trọng ổn định sản xuất và ổn định tình hình nông thôn. Nhiều hợp tác xã còn đóng vai trò quan trọng trong xây dựng quy hoạch phân vùng, bố trí lại sản xuất, đưa giá trị sản xuất từ 31 triệu đồng/ha (năm 2006) đến nay đã đạt trên 50 triệu đồng/ha. Nhiều hợp tác xã làm ăn đã có lãi và dành một phần tích lũy để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Với việc đầu tư phát huy mô hình hợp tác xã phù hợp trong giai đoạn phát triển mới, mô hình hợp tác xã chắc chắn sẽ đảm đương vai trò tốt hơn, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn Việt Nam./.
Nguồn vov5
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn