|
Ảnh minh họa |
Cụ thể, gần đây nhất, sau ca tử vong do cúm A/H5N1, Sở Y tế
tỉnh Đồng Tháp cùng các ngành và chính quyền địa phương đã triển khai các biện pháp phòng chống dịch cúm A/H5N1. 13 trường hợp tiếp xúc với nạn nhân đã được lấy mẫu bệnh phẩm. Tất cả đều cho kết quả âm tính. 16 trường hợp được cho uống Tamiflu. Các biện pháp phun xịt tiêu độc, khử trùng và tiêm phòng tất cả gia cầm trong bán kính 400m cũng đã được các lực lượng chức năng triển khai.
Theo ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Giám đốc Sở Y tế Đồng Tháp, với nhiều biện pháp tích cực đã được triển khai, đến nay, tình hình dịch bệnh tại xã Tân Long, huyện Thanh Bình đã được kiểm soát khá chặt chẽ và chưa xảy ra ca nhiễm mới.
UBND
tỉnh Quảng Ninh cũng đã chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai ngay phương án ứng phó với dịch bệnh cúm A H7N9 theo phương châm 3 tại chỗ (con người tại chỗ, phương tiện tại chỗ, thuốc và vật tư tại chỗ).
Đồng thời, tăng cường giám sát dịch bệnh cúm A tại các cửa khẩu, chợ đầu mối, ổ dịch, cả dịch cúm trên gia cầm cũ; giám sát chặt chẽ các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, tăng cường lực lượng thú y giám sát tại các chợ. Các ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc việc báo cáo tình hình dịch về Sở Y tế để kịp thời phối hợp, chỉ đạo, xử lý.
Tỉnh Lạng Sơn đã yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông tuyên truyền, hướng dẫn cho nhân dân biết về tác hại của bệnh cúm A (H7N9), tập trung vào các nội dung “không nhập lậu, buôn bán, vận chuyển gia cầm, vật nuôi không rõ nguồn gốc”; “Không giết, mổ gia cầm, vật nuôi bị ốm hoặc chết không rõ nguyên nhân”; “không ăn tiết canh, không ăn thịt gia cầm, vật nuôi chưa được chế biến kỹ”.
Đồng thời, tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch cúm A(H7N9) như: rửa tay thường xuyên với xà phòng, đặc biệt trước và sau khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi tiếp xúc với gia cầm; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm: ăn chín, uống sôi, không vận chuyển, chế biến, sử dụng gia cầm ốm, chết, không rõ nguồn gốc...
UBND
thành phố Hố Chí Minh cũng đã giao Sở Y tế tăng cường giám sát nhằm phát hiện sớm ca bệnh; chỉ đạo các đơn vị kiểm dịch y tế tại cửa khẩu giám sát chặt chẽ các trường hợp người nhập cảnh đi từ vùng dịch vào Việt Nam. Sử dụng máy theo dõi thân nhiệt từ xa để kịp thời phát hiện hành khách có biểu hiện sốt, nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, tổ chức khám, cách ly và xử lý y tế theo quy định.
Giám sát chặt chẽ các trường hợp bệnh nhân có hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính nặng, bệnh nhân viêm phổi tại các cơ sở y tế và cộng đồng, đặc biệt lưu ý các trường hợp mới trở về Việt Nam từ vùng dịch bệnh để có thể theo dõi, chẩn đoán và xử lý kịp thời nhằm hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong.
Ngay sau ca tử vong thứ 2 do cúm A/H5N1, ngày 6/2, Bộ Y tế đã có Công điện yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường giám sát dịch bệnh cúm A(H7N9, H10N8, H6N1, H5N1) tại các cửa khẩu và tại cộng đồng. Đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống các chủng virus cúm lây truyền từ gia cầm sang người, trong đó lưu ý tới các đối tượng là khách du lịch đi đến những vùng có ổ dịch...
Cúm A/H7N9 bắt đầu xuất hiện từ ngày 31/3/2013, tính đến ngày 13/1/2014 trên thế giới ghi nhận 168 trường hợp mắc, 51 trường hợp tử vong; trong đó Trung Quốc có 164 trường hợp mắc tại 12 tỉnh, thành phố, 51 trường hợp tử vong, Đài Loan 1 trường hợp mắc; Hồng Kông 3 trường hợp mắc. Số mắc cúm A/H7N9 có xu hướng lan rộng xuống các tỉnh phía Nam của Trung Quốc, gần biên giới với nước ta. Tại Việt Nam, đến thời điểm này chưa phát hiện trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 trên gia cầm và trên người. Ngoài ra, và một số dịch cúm khác như: cúm A/H1N1, cúm A/H10N8, cúm A/H9N2 trên thế giới cũng diễn biến phức tạp. Tại Mỹ, bệnh cúm A/H1N1 đang tiếp tục diễn biến theo chiều hướng tăng lên; tính đến ngày 10/1/2014 đã có 35 bang có bệnh nhân cúm và toàn nước Mỹ đã triển khai các hoạt động phòng chống bệnh cúm. |
Vân Chi
Theo baodientu.chinhphu.vn