Trước câu hỏi: Vì sao trong 6 tháng đầu năm 2017, xã không thành lập được bất cứ mô hình sản xuất nào, Chủ tịch UBND xã Ích Hậu Nguyễn Xuân Quân đã đưa ra một dẫn chứng buồn mà địa phương đang phải đối diện suốt nhiều tháng qua. Ông Quân cho biết, người dân xã Ích Hậu có kinh nghiệm trong chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đây là nghề giúp nhiều gia đình thoát nghèo, vươn lên khá giả. Vậy nhưng, từ nhiều tháng nay, giá gia cầm, gia súc đều giảm mạnh khiến nhiều hộ nuôi quy mô lớn lao đao, lỗ nặng.
Đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp luôn là mối lo của người dân. Trong ảnh: Mô hình vườn rau tổng hợp của hộ ông Nguyễn Quốc Thủ (thôn Quyết Thắng, xã An Lộc).
Gia đình bà H. là một ví dụ. Với hơn 2.000 con vịt đẻ, trước đây, thương lái đến tận nhà lấy sỉ, giá 2.500 đồng/quả nhưng từ trước tết Đinh Dậu đến nay, giá trứng nhập chỉ còn 1.300 đồng/quả. Bán không được, bỏ không xong, gia đình bà tiếp tục làm và nuôi với hy vọng giá sẽ tốt lên. Nhưng hy vọng cứ lụi dần, đến nay, gia đình bà đã lỗ trên 150 triệu đồng. Tình trạng này nếu còn kéo dài thì số tiền lỗ sẽ còn nhiều nữa.
Ích Hậu về đích NTM vào năm 2015. Từ năm 2016 trở về trước, xã đã xây dựng được 31 mô hình sản xuất, trong đó có 6 mô hình lớn, 7 mô hình vừa và 18 mô hình nhỏ. Qua tìm hiểu, hiện phần lớn các mô hình này đều hoạt động cầm chừng, hiệu quả thấp hơn so với trước.
Xã Tân Lộc cũng nằm trong nhóm xã (gồm An Lộc, Bình Lộc, Thịnh Lộc, Ích Hậu, Phù Lưu) không thành lập được bất cứ một mô hình phát triển sản xuất nào từ đầu năm đến nay. Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Ngọc Thạch, cho biết: “Trước thực tế giá lợn, bò... đều thấp, khó bán, rồi đến lúa mất mùa, giảm năng suất nên chúng tôi rất khó trong tuyên truyền, vận động bà con xây dựng mô hình phát triển sản xuất”.
Không chỉ các xã trên, nhìn chung, công tác xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, các THT, HTX... đều chững lại tại hầu khắp các địa phương trên địa bàn huyện trong 6 tháng đầu năm nay và chắc chắn còn kéo dài, nếu không có giải pháp căn cơ, kịp thời.
Theo UBND huyện, 6 tháng đầu năm 2017, toàn huyện có 6 xã không thành lập mới được mô hình; 12/13 xã không thành lập được HTX (trừ Thạch Mỹ); 10 xã không thành lập được THT (trừ 3 xã Thạch Mỹ, Thạch Bằng, Hồng Lộc) và 6 xã không thành lập mới được doanh nghiệp (gồm An Lộc, Bình Lộc, Hộ Độ, Tân Lộc, Ích Hậu và Mai Phụ).
Ông Phan Bá Ninh - Văn phòng Điều phối NTM huyện Lộc Hà, cho biết: Năm 2017, Lộc Hà gặp nhiều yếu tố bất lợi trong phát triển sản xuất dẫn đến việc thành lập các hình thức tổ chức sản xuất rất hạn chế, khó khăn. Theo đó, sự cố môi trường biển đã ảnh hưởng rất lớn đến lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản và các dịch vụ nghề biển… Các địa phương ven biển phải tập trung giải quyết hậu quả sự cố môi trường; người dân thiếu việc làm; thủy hải sản giảm sản lượng và giá bán.
Cùng với đó, giá các sản phẩm như lợn, bò và gia cầm giảm mạnh nên các mô hình về lĩnh vực này không có thành lập mới. Mặt khác, do diện tích đất canh tác ít, sản xuất lúa diện tích manh mún, rất khó khăn trong việc thành lập các mô hình sản xuất tập trung. Qua tìm hiểu tại một số xã trên địa bàn, điều lãnh đạo các địa phương trăn trở là việc tìm đối tác để bao tiêu sản phẩm cho các mô hình sản xuất, chế biến nông sản trong giai đoạn hiện nay rất khó khăn, người dân phải tự lo. Một khó khăn khác mà huyện chưa dễ khắc phục trong thời gian tới là chưa có các vùng chuyên canh sản xuất rau màu tập trung.
Nhiều người cho rằng, nguồn vốn hỗ trợ xây dựng NTM giảm rất nhiều so với những năm trước, đặc biệt, năm 2017, ngân sách trung ương, tỉnh chưa bố trí nguồn phát triển sản xuất, chỉ mới có nguồn đầu tư phát triển, do đó, thiếu đi những “cú hích”, sự động viên, khuyến khích cần thiết cho việc phát triển các hình thức tổ chức sản xuất.
Trọng Tuệ/baohaitnh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn