Câu chuyện về những khó khăn nối tiếp khó khăn của các doanh nhân Việt Nam nói chung và doanh nhân huyện Nghi Xuân- tỉnh Hà Tĩnh nói riêng trong cơn bão suy thoái kinh tế hoành hành suốt một thời gian dài chưa có hồi kết. Nhưng từ cơn bão đó, có nhiều doanh nhân đã biến thách thức thành cơ hội, trụ vững trước sóng gió thương trường và thậm chí còn trở mình vươn dậy một cách mạnh mẽ, đưa doanh nghiệp ngày càng phát triển, đóng góp ngày càng nhiều cho xã hội.
Công ty Cổ phần nhựa bao bì Vinh thuộc Công ty Hợp tác Kinh tế Quân khu 4 đóng trên địa bàn thị trấn Xuân An là 1 trong 5 Doanh nghiệp tiêu biểu trong hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả của huyện Nghi Xuân. Thực hiện chủ trương thu hút đầu tư của Tỉnh Hà Tĩnh và huyện Nghi Xuân tại khu Công nghiệp Gia Lách, Năm 2010, Công ty đã xây dựng nhà máy sản xuất bao bì tại thị trấn Xuân An, ban đầu đi vào sản xuất cũng gặp những khó khăn chung, nhưng đến nay hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhà máy đã từng bước khẳng định được năng lực của mình, được đánh giá là 1 đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất bao bì cho các nhà máy xi măng trong nước và cả thị trường nước ngoài.
Từ những phương thức sản xuất, kinh doanh có uy tín, tạo thương hiệu trên thị trường, luôn lấy tiêu chí “Đoàn kết- Trung Thành- Năng Động- chuyên nghiệp ”; “ Hợp tác cùng phát triển ” là môi trường và sức mạnh để tồn tại, cạnh tranh và phát triển bền vững. Nhờ vậy mà hiệu quả sản xuất của Công ty được thể hiện bằng các chỉ số tăng dần. Doanh thu năm 2012 đạt gần 470 tỷ đồng, năm 2013 đạt trên 556 tỷ đồng, năm 2014 tăng lên trên 653 tỷ đồng, hàng năm nộp ngân sách Nhà nước từ 7- 10 tỷ đồng. Năm 2015 Công ty đưa ra chỉ tiêu sản xuất 95.770.000 sản phẩm, doanh thu đạt 590 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 22 tỷ đồng, tạo việc làm cho 525 cán bộ, công nhân viên với mức thu nhập bình quân trên 7 triệu đồng/người/tháng. Mới tính trong 9 tháng đầu năm 2015, Công ty đã nộp vào ngân sách huyện gần 10 tỷ đồng tiền thuế.
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Trong khó khăn, thử thách, tài năng, trí tuệ, bản lĩnh của các doanh nhân một lần nữa lại khẳng định. Là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận kinh tế, nhiều doanh nhân đã táo bạo tìm hướng đi mới, chủ động tái cấu trúc lại mô hình hoạt động, kịp thời nắm bắt và nghiên cứu thị trường, tích cực tìm cơ hội hợp tác, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm, bảo đảm giữ vững và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng với sự hội nhập và phát triển. Ngoài sự lớn mạnh của Công ty CP Bao bì Vinh thì các Doanh nghiệp khác như Công ty Cổ phần xây lắp tổng hợp Vinh Hà, Công ty Cổ phần xây lắp Tổng hợp Trường Long, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Châu Tuấn, Công ty Cổ Phần tư vấn xây dựng Sông Lam… cũng là những đơn vị tiêu biểu trong hoạt động sản xuất kinh doanh của huyện, của tỉnh. Hàng năm bình quân một Doanh nghiệp nộp vào ngân sách huyện từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng/ năm.
Công ty TNHH Trường Đoán là 1 Doanh nghiệp trẻ với lĩnh vực kinh doanh dịch vụ vàng bạc, nhà hàng. Mặc dù đang trong giai đoạn khó khăn nhưng Doanh nhân Nguyễn Xuân Đoán đã mạnh dạn đầu tư hàng chục tỷ xây dựng mô hình kinh doanh ăn uống có quy mô gần 7.000 m2 tại ven bờ Sông Lam thị trấn Xuân An, 1 không gian đẹp, phong cách chuyên nghiệp phục vụ cho khoảng 400- 500 thực khách với nhiều món ăn mang hương vị quê hương.
Cùng với đó, cơ hội đến với các DN chính là các cơ chế, chính sách của huyện, bằng nhiều biện pháp linh hoạt, đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để khuyến khích phát triển DN và các hình thức tổ chức SXKD. Tính đến nay, trên địa bàn huyện Nghi Xuân có 205 doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2014; có 89 hợp tác xã, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2014; có 61 THT; có 4.884 hộ kinh doanh, tăng 608 hộ so với thời điểm rà soát tháng 4/2014. Quy mô vốn đăng ký của các doanh nghiệp tăng qua các năm, bình quân đạt 4 tỷ đồng/doanh nghiệp. Phân tích theo ngành kinh tế đến nay, số doanh nghiệp khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2%, công nghiệp và xây dựng chiếm 33,5%, thương mại dịch vụ chiếm 64,5%.
Một số doanh nghiệp, hợp tác xã đi đầu trong đầu tư sản xuất sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh, chăn nuôi lợn siêu nạc, lợn sinh sản, nuôi trồng chế biến thủy hải sản, đặc biệt là các dự án rau củ quả sạch công nghệ cao; tham gia chuỗi liên kết, áp dụng công nghệ mới, công nghệ hiện đại, mang lại hiệu quả kinh tế cao góp phần tích cực tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đồng hành cùng các xã thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo. Tiêu biểu như: mô hình nuôi cá mú, cá bơn và tôm thương phẩm công nghệ cao ở xã Xuân Liên của Công ty Sản xuất và nuôi trồng thủy sản Hoàng Dương (Nghi Xuân ); mô hình chăn nuôi lợn thịt liên kết với công ty KSTM và Công ty CP Việt Nam ở Xuân Mỹ, Xuân Viên, Xuân Liên nuôi từ 1.500 con- 4.500 con/ lứa được đánh giá hiệu quả và bền vững; Các mô hình nuôi tôm trên cát công nghệ cao ở Xuân Phổ, Xuân Đan; mô hình trồng rau củ, quả sạch của Công ty Fineton ở Xuân Thành, Cổ Đạm…
Trong bối cảnh còn những khó khăn chung, nhiều dự án lớn được triển khai trên địa bàn huyện như dự án đầu tư xây dựng khu đô thị nam bờ Sông Lam Thị Trấn Xuân An, dự án đầu tư xây dựng qui hoạch Đô thị Mới Thị Trấn Xuân An, dự án đầu tư xây dựng khu du lịch Xuân Thành gắn với sân Golf và các vùng phụ cận, dự án đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái bãi nổi Xuân Giang…
Chính sách thu hút đầu tư kinh doanh, môi trường, thủ tục tham gia thị trường công khai, minh bạch… là những tác động tích cực đến con số doanh nghiệp, HTX thành lập mới. Từ đầu năm 2015 đến nay huyện Nghi Xuân có thêm 25 doanh nghiệp mới, đạt 59,5% so với kế hoạch, tăng so với cùng kỳ năm 2014, là tín hiệu tích cực về phát triển doanh nghiệp trên địa bàn huyện. Ông Nguyễn Hải Nam- chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân cho biết : “ Nghi Xuân luôn luôn xác định phát triển doanh nghiệp với các HTX, THT, các mô hình sản xuất chăn nuôi là một nhiệm vụ hết sức quan trọng và đây có thể nói là một trong những thành phần góp phần tích cực giúp huyện nhà phát triển kinh tế và hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. UBND huyện đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thu hút đầu tư, để các Doanh nghiệp, HTX, THT cũng như các hộ sản xuất, chăn nuôi tham gia sản xuất kinh doanh hiệu quả. Cụ thể, tạo thuận lợi trong việc hoàn thiện thủ tục hồ sơ, giới thiệu địa điểm đầu tư, quan tâm công tác giải phóng mặt bằng, chấp thuận chủ trương đầu tư, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính nhằm rút ngắn thời gian, giảm phiền hà; tổ chức gặp gỡ đối thoại với doanh nghiệp để nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tặng quà chúc mừng các doanh nghiệp doanh nhân nhân các ngày lễ, tôn vinh các doanh nghiệp doanh nhân tiêu biểu.
Đồng hành với DN còn có tổ chức hội DN, doanh nhân huyện. Hội Doanh nghiệp đã làm tốt vai trò là cầu nối cung cấp thông tin, kết nối giữa DN với các ngành chức năng, các ngân hàng bàn biện pháp phù hợp để giải quyết những khó khăn cho DN ổn định SXKD. Phối hợp với các cấp, các ngành trong hoạt động tư vấn thực hiện chính sách có liên quan, đáp ứng nhu cầu của DN, như: thủ tục đăng ký kinh doanh, các vấn đề thuê mặt bằng SXKD, thủ tục vay vốn ngân hàng… Trong cùng một “mái nhà chung”, các hội viên tìm đến nhau, hỗ trợ nhau, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, tạo môi trường liên kết, giúp đỡ nhau cùng phát triển sản xuất, kinh doanh (SXKD) và tuân thủ pháp luật, nâng cao trách nhiệm xã hội, xây dựng đạo đức và văn hóa kinh doanh.
Giữ vững niềm tin, tái cấu trúc để vượt khó khăn chính là con đường mà các doanh nhân huyện Nghi Xuân đang hướng tới. Đặc biệt, nhiều DN, doanh nhân đã biết khai thác, phát huy những tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương để tạo nên những sản phẩm có thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường. Số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn phát triển khá nhanh, quy mô mở rộng, các loại hình, lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh và mô hình sản xuất ngày càng đa dạng, doanh thu tăng dần và hàng năm đóng góp trên 70 % tổng ngân sách huyện, giải quyết việc làm cho hơn 10% tổng lao động xã hội.
Chỉ tính riêng trong 9 tháng năm 2015, tổng doanh thu của các DN trên địa bàn huyện ước đạt 707 tỷ 770 triệu đồng, tăng so với cùng kỳ. Nộp ngân sách Nhà nước gần 40 tỷ đồng, tăng 27 % so với cùng kỳ và chiếm 60 % tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn huyện.
Không chỉ làm tốt vai trò của người “nhạc trưởng” tiên phong phát triển kinh tế, thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước, cộng đồng DN, doanh nhân Nghi Xuân luôn xem công tác xã hội từ thiện là một nhiệm vụ trọng yếu, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng xã hội. Doanh nhân Nghi Xuân đã hỗ trợ hàng trăm triệu đồng để trợ giúp đột xuất, trợ giúp thường xuyên cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn và tiên phong trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo, an sinh xã hội tại địa phương như xây dựng nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách, trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, giúp đỡ người nghèo, hỗ trợ nhân dân bị thiên tai, bão lụt…
Chúng ta có thể hình dung được con đường trở thành doanh nhân không trải hoa hồng mà nhiều những khó khăn, thử thách. Và việc, liên kết doanh nhân Việt, sát cánh với chính quyền, đồng hành cùng doanh nhân quốc tế, xây dựng nền kinh tế tự chủ có sức cạnh tranh cao là khẩu hiệu, là phương châm hành động để mỗi DN, doanh nhân huyện Nghi Xuân tiếp tục nỗ lực, đoàn kết, vươn dậy và phát triển, vững vàng cùng hội nhập.
Theo Thanh Huyền- Hồng Quang- Đức Đồng/nghixuan.hatinh.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn