1 năm làm 12 nhà ở cho người nghèo
Đứng trước ngôi nhà tình thương kiên cố còn nguyên mùi vôi vữa vừa mới được xã bàn giao cho gia đình anh Võ Tá Hồng ở xóm Nam Quang, một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chúng tôi như cảm thấy ấm áp hơn trong những ngày giáp tết. Phó Bí thư Đoàn xã Nguyễn Văn Hà - người dẫn đường, phấn khởi giới thiệu tường tận với chúng tôi về hoàn cảnh gia đình của anh Hồng: “Đây là trường hợp đặc biệt khó khăn của xã. Nhà chỉ có ba bố con, cảnh gà trống nuôi con cơ cực muôn phần, bản thân anh Hồng lại mang bệnh tật, không có việc làm ổn định. Thực hiện chủ trương “Chung tay xây dựng NTM” do UB MTTQ xã phát động, Đoàn Thanh niên đã phối hợp với Ban Vận động bác ái cùng đóng góp tiền, vật dụng và ngày công để xây dựng ngôi nhà này. Tết này, cha con anh Hồng sẽ được vui hơn”.
Nhà văn hóa xóm Đoài Thịnh xây dựng khang trang đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân. |
Những câu chuyện xen ngang của mấy người hàng xóm về hoàn cảnh của bố con anh Hồng, rồi chuyện góp mỗi nơi một ít cùng xây mái ấm cho anh. Nào là mái ngói của Giáo xứ, bộ cửa của Nhà thờ, ngày công của thanh niên… Góp sức xây dựng nhà cho người nghèo đâu cần phải thật nhiều vật chất, chỉ cần tình thân, sự đồng lòng chung tay cùng “nhường áo sẻ cơm”, như thế cũng đủ làm nên những mái ấm mới.
Vừa dẫn chúng tôi tham quan ngôi nhà, anh Võ Tá Hồng, chủ nhà xúc động: “Tôi cảnh gà trống nuôi con, chưa bao giờ nghĩ đến có một ngôi nhà che mưa, che nắng; có được như hôm nay là nhờ vào sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, xóm giềng và anh em, bạn bè”.
Thanh niên làm nhà, doanh nghiệp làm nhà, giáo xứ làm nhà, dòng họ làm nhà… Đâu đâu trên địa bàn xã Thạch Trung cũng bàn chuyện làm nhà cho người nghèo. Bởi thế mà, năm 2014, làm nhà ở cho người nghèo ở Thạch Trung đã vượt kế hoạch 3 nhà. Ông Nguyễn Ngọc Thành - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Trung cho biết: “Dân có giàu, nước mới mạnh. Dù có thế nào thì cũng phải lo cho dân an cư, lạc nghiệp trước. Năm vừa rồi, thông qua kênh UBMTTQ, chúng tôi huy động tổng lực, lồng ghép các nguồn tài trợ, hỗ trợ làm nhà ở cho người nghèo. Riêng nguồn từ doanh nghiệp, từ 2012-2014, xã huy động được 400 triệu đồng. Bên cạnh đó, kêu gọi sự gắn kết của các giáo xứ, dòng họ đã tạo được sự lan tỏa lớn. Trong năm tới, chúng tôi dự kiến sẽ tiếp tục nâng cấp 8-9 nhà theo tiêu chuẩn hiện nay”.
Hiến đất, hiến vườn làm giao thông, thủy lợi
So với nhiều xã ven đô lân cận, Thạch Trung có điểm xuất phát thấp hơn, kinh tế phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp. Nhưng không vì thế mà người dân nơi đây thiếu đi trách nhiệm với quê hương. Bà con không tiếc cắt đi một phần đất đai, ruộng vườn nhà mình để làm đường, làm kênh. Trong năm 2014, toàn xã hiến gần 4.000 m2 đất thổ cư, hàng nghìn m2 đất nông nghiệp và tự nguyện chặt bỏ, di dời hàng trăm cây cối.
Ông Nguyễn Ngọc Thành Phó chủ tịch UBND xã cho hay: “Đến thời điểm này, tiêu chí thủy lợi đã hoàn thành, phục vụ cơ bản sản xuất nông nghiệp. Riêng về GTNT, cả nguồn lực người dân đóng góp và tranh thủ nguồn tài trợ của các dự án, năm nay, xã Thạch Trung hoàn thành gấp đôi kế hoạch được giao (11,3 km). Chúng tôi đã có phương án để hoàn thành nốt 2,9 km đường liên thôn trong cuối năm 2015, về đích nông thôn mới như hạn định”.
Cùng đó, cơ sở vật chất văn hóa được dồn sức chỉnh trang, hoàn thiện, phục vụ nhu cầu sinh hoạt, giao lưu văn hóa, TDTT của bà con nhân dân. Ông Phạm Trọng Cảnh - xóm trưởng cho biết: “Năm 2013, từ nguồn hỗ trợ của nhà nước, hội quán xóm được xây dựng với tổng nguồn vốn 1,3 tỷ đồng. Ngay sau đó, bà con đã tự nguyện đóng góp thêm 150 triệu đồng, mở rộng diện tích. Từ khi có nhà văn hóa mới, đây trở thành ngôi nhà chung, gắn kết bà con, xóm làng”.
Tuệ Anh
Theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn