Ô nhiễm môi trường sống
Chúng tôi về xã Yên Lộc vào một ngày nắng như đổ lửa. Hơi nóng và mùi hóa chất nồng nặc bốc lên từ mặt đường nhựa, từ những xưởng mộc nằm san sát nhau và những đống gỗ ngồn ngộn ven đường. Ðến một xưởng mộc nằm ngay đầu ngõ, gặp anh Võ Mai – chủ doanh nghiệp tư nhân Mai Loan lưng trần xoay xở bên những thanh gỗ vừa được cưa xẻ, tôi thắc mắc: “Tiếp xúc với bụi gỗ, mạt cưa mà sao anh không đội mũ, đeo khẩu trang?”. Ðưa tay quệt những giọt mồ hôi chảy ròng trên má, anh Mai cho biết: “Bọn em làm thế quen rồi, đeo các thứ đó vào vướng víu lắm”.
Đường về xóm Tràng Sơn 2 chất đầy gỗ và bột cưa |
Một điều dễ nhận thấy là hầu hết các cơ sở sản xuất và các cửa hàng đồ gỗ nơi đây đều nằm ven đường, xen lẫn với khu dân cư đông đúc. Các gia đình thường tận dụng nhà ở tầng 1 làm nơi chế biến gỗ và đóng đồ mộc, đồng thời làm địa điểm giao dịch với khách. Mặc dù chủ các xưởng mộc đã có ý thức xây tường ngăn hoặc sử dụng bạt che, vách ngăn, quạt thông gió, máy hút bụi để giảm ô nhiễm, nhưng thực tế, bụi gỗ và mùi sơn vẫn ngột ngạt. Thêm vào đó là rác thải, mạt cưa vương vãi, chảy tràn vào cống rãnh.
Xen lẫn giữa tiếng ồn của máy cắt gỗ, ông Cao Văn Năm nói lớn: “Nghề mộc đem lại cho dân chúng tôi nguồn thu nhập đáng kể. Nhưng nỗi khổ bụi gỗ, tiếng ồn và mùi sơn thì hành hạ chúng tôi suốt nhiều năm qua. Nhà nào làm mộc hoặc ở gần xưởng mộc, người già, trẻ nhỏ hay bị tức ngực, khó thở, lúc nào cũng phải lấy tay che mũi, bịt miệng. Còn tiếng ồn từ máy cưa phát ra khiến bọn trẻ không thể tập trung học hành”.
Cần đẩy nhanh tiến độ quy hoạch làng nghề
Trao đổi với chúng tôi, anh Đặng Văn Kỳ - Chủ tịch UBND xã Yên Lộc cho hay: “Cả xã hiện có 2 xóm Tràng Sơn và Đình Sơn với trên 320 hộ tham gia sản xuất nghề mộc. Trước đây, nghề mộc phát triển nhỏ lẻ ở các hộ nhưng nhu cầu thị trường ngày càng lớn nên quy mô các xưởng cũng lớn dần. Các gia đình tận dụng mọi khoảng sân, góc nhà, lối đi, ngõ ngách, vỉa hè, bờ ruộng làm nơi tập kết gỗ, càng khiến cho không gian làng xóm thêm bức bối”.
Cũng theo anh Đặng Văn Kỳ, chính quyền xã đã triển khai dự án cụm công nghiệp làng nghề nhằm quy hoạch để đưa các hộ làm nghề mộc vào khu vực sản xuất tập trung, xa rời khu dân cư nhằm thuận tiện cho việc xử lý bụi và rác thải, tạo điều kiện cho các hộ phát triển sản xuất, mở rộng quy mô. Theo đó, ngày 28/8/2008, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp Yên Huy (Can Lộc) với diện tích 5,41 ha, tổng mức đầu tư hạ tầng kỹ thuật 23,77 tỷ đồng. Tuy nhiên, do địa điểm quy hoạch gần nhà thờ Thiên chúa giáo nên công tác triển khai trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Để phù hợp với tình hình thực tiễn, Sở Công thương đã thống nhất đưa làng nghề Yên?Lộc vào quy hoạch cụm công nghiệp Yên Lộc (thuộc quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn 2050), trong đó đề xuất dịch chuyển vị trí cụm công nghiệp ra cánh đồng của xóm Tràng Sơn và Đình Sơn với tổng diện tích 10 ha.
Mặc dù đã xây dựng kế hoạch chi tiết và đã được phê duyệt nhưng đến nay, dự án quy hoạch cụm công nghiệp Yên Lộc vẫn đang nằm trên... giấy. Nhiều người dân xã Yên Lộc khi gặp chúng tôi vẫn tỏ ra thấp thỏm, lo âu và bày tỏ nguyện vọng được quy hoạch ra làng nghề để có đất mở rộng SXKD và tránh gây ô nhiễm môi trường. Lý giải về việc dự án cụm công nghiệp chậm tiến độ, Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc - Đặng Trần Phong cho biết: “Tiến độ của dự án quy hoạch cụm công nghiệp Yên Lộc bị chậm là do vướng mắc trong quy hoạch vị trí xây dựng làng nghề. Hiện chúng tôi đang đẩy nhanh tiến độ để trong tháng 5 này triển khai quy hoạch, đáp ứng nhu cầu bức thiết của người dân Yên Lộc”.
Phan Trâm
Nguồn baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn