Chị Huỳnh Thị Ánh Diệu - chuyên viên phụ trách thủy sản, phòng Nông nghiệp huyện Thạch Hà cho biết: " Vụ tôm này, toàn huyện có 183ha diện tích nuôi tôm tập trung ở xã Thạch Long, Thạch Trị, Tượng Sơn và Thị trấn Cày. Cho đến thời điểm này, toàn huyện đã thu hoạch được 150 tấn tôm, ước tính tổng sản lượng tôm có thể đạt 300 tấn. Mặc dù, sản lượng tôm vụ này chỉ đạt ở mức tương đối và không tăng so với vụ tôm năm ngoái nhưng với điều kiện khắc nghiệt như những tháng đầu năm nay thì đây là kết quả đáng ghi nhận từ sự nỗ lực của chính quyền các cấp và các hộ nuôi tôm trên địa bàn."
Thực hiện Quyết định 24 của UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn, một số hộ nuôi tôm ở xã Thạch Long đã được hỗ trợ đầu tư vỗ bờ xi măng cho ao tôm với số tiền 30 triệu đồng/ha. Vụ tôm này, xã Thạch Long thu hoạch được 20 tấn tôm trên diện tích 22ha mặt nước. Khi tôi đến đúng lúc gia đình anh Nguyễn Đức Thuận - xóm Đông Hà 2, xã Thạch Long đang thu hoạch tôm, đây là một trong những hộ nuôi tôm thâm canh hiệu quả nhiều năm qua. Anh chia sẻ: "Năm nay, được hỗ trợ của tỉnh, gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư hơn 60 triệu đồng vỗ bờ xi măng để đảm bảo môi trường nước. Đồng thời, tôi cũng rất quan tâm chất lượng tôm giống, 2 hồ của tôi chỉ nuôi tôm thẻ chân trắng. Đến thời điểm này, gia đình tôi chỉ mới thu hoạch được 1,5 ao với tổng sản lượng đạt trên 6 tấn, ước tính lãi của phần đã thu hoạch khoảng hơn 100 triệu đồng."
Gia đình anh Nguyễn Hồng Sơn - Thị trấn Cày , vụ tôm năm ngoái thu lãi hơn 200 triệu đồng. Vụ tôm xuân hè năm nay, được sự hỗ trợ của Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư tỉnh, gia đình anh đã đầu tư nuôi tôm bằng công nghệ lót bạt trên ao đất có diện tích 500m2 để nuôi tôm thẻ chân trắng, còn ao còn lại cũng với diện tích đó thì chỉ dành để nuôi các giống tôm khác. Nhờ sự mạnh dạn đầu tư và áp dụng đúng khoa học kỹ thuật trong nuôi tôm nên vụ năm nay gia đình anh thu hoạch được 4,1 tấn/1ha với thu lãi gần 200 triệu đồng.
Có được những kết quả đó, các hộ nuôi tôm huyện Thạch Hà đã mạnh dạn đầu tư nâng cấp ao đầm, chú trọng trong việc chọn giống, áp dụng khoa học kỹ thuật, thả đúng mật độ, giữ gìn môi trường, chăm sóc và phòng chống dịch bệnh đúng quy trình. Bên cạnh đó, huyện cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ các hộ nuôi trong việc định hướng con giống, hướng dẫn lịch thời vụ ,đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi, hướng dẫn bà con áp dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi tôm. Đặc biệt, trong đợt dịch bệnh đầu năm rải rác ở một số xã như Tượng Sơn, Thạch Long, huyện phối hợp với Chi cục Thú y tỉnh kịp thời hướng dẫn người dân dùng hóa chất(Clorin) để xử lý các ao hồ ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Tuy nhiên, một khó khăn lớn mà các hộ nuôi tôm trong toàn huyện Thạch Hà nói riêng và toàn tỉnh nói chung đang phải đối mặt đó là đầu ra của con tôm. Chưa năm nào mà giá tôm lại xuống thấp như năm nay đặc biệt là đối với tôm thẻ chân trắng. Nếu như năm ngoái, loại tôm này có giá từ 100-120 ngàn đồng/cân thì năm nay lại tụt xuống 70-80 ngàn đồng/cân. Trong khi đó, nguồn giống tôm chất lượng cao năm nay lại rất khan hiếm mà giá lại cao hơn so với những năm trước. Người nuôi tôm đã phải cất công vào tận các tỉnh như Bình Định, Đà Nẵng để đem được tôm giống về hồ nuôi của mình. Mọi chi phí cho nuôi tôm năm nay lại cao hơn nhiều so với những năm trước. Chính vì vậy mà vụ tôm năm nay các hộ nuôi tôm không có lãi nhiều bằng các vụ trước.
Một vụ tôm nữa lại qua đi trên đồng đất Thạch Hà với những niềm vui xen lẫn những lo toan trăn trở. Tin tưởng rằng, với những kết quả đã đạt được cùng những kinh nghiệm có sẵn các hộ nuôi tôm sẽ vượt qua khó khăn để dành thắng lợi trong vụ tôm tiếp theo.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn