Năm 2017, sau khi được chính quyền địa phương vận động, gia đình ông Nguyễn Viết Lãm (thôn Nam Hà, xã Cẩm Lạc, Cẩm Xuyên) đã phá bỏ vườn tạp để trồng 70 gốc cam Cao Phong (Hòa Bình). Đến năm 2018, được địa phương hỗ trợ giống theo đề án phát triển cây cam chất lượng cao, ông Lãm tiếp tục mở rộng diện tích vườn và nhân rộng thêm 50 gốc cam.
Vườn cam của ông Lãm (xã Cẩm Lạc) đã cho sây quả, cuối tháng 10 sẽ thu hoạch
Ông Nguyễn Viết Lãm chia sẻ: “Trong tổng 120 gốc cam, huyện hỗ trợ 50 gốc. Ngoài ra, chúng tôi cũng được ngành nông nghiệp huyện hỗ trợ về kỹ thuật trồng, chăm sóc và phân bón các loại. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, vụ này, 70 gốc cam trồng năm đầu nay đã cho quả. Thương lái đã vào tận vườn hỏi mua nhưng gia đình muốn chờ đến cuối tháng 10, cam chín ngọt đậm mới xuất bán”.
Theo nhẩm tính sơ bộ của ông Lãm, 70 gốc cam dự kiến sẽ cho thu hoạch khoảng 1,3 tấn. Với giá trên thị trường từ 20.000 – 25.000đ/kg, năm nay, gia đình ông Lãm sẽ “đút túi” khoảng 30 triệu đồng.
Cũng thuộc diện trồng cam theo đề án phát triển cây cam chất lượng cao của huyện, từ năm 2018 đến nay, gia đình ông Dương Văn Chiến (xóm Mỹ Hà, xã Cẩm Mỹ, Cẩm Xuyên) đã “phủ xanh” 1,5 ha đất đồi bằng 330 gốc cam C2.
Theo ông Chiến, đến thời điểm này, nhiều gốc cam đã ra hoa nhưng vì chưa được trên 2 năm tuổi nên ông Chiến không dám giữ lại để đậu quả vì sợ sẽ làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây.
“Nếu để hoa đậu quả thì mùa này đã có thu nhập nhưng tôi sợ ảnh hưởng đến chất lượng cây nên đã phun thuốc cho hoa rụng hết. Với đà sinh trưởng như hiện nay, nếu chăm sóc tốt, vụ cam năm sau dự kiến sẽ cho thu nhập cao” – ông Dương Văn Chiến cho hay.
Có 200 hộ dân thuộc 8 xã vùng bán sơn địa huyện Cẩm Xuyên tham gia đề
án phát triển cây cam chất lượng cao
Ông Lãm, ông Chiến là 2 trong số 200 hộ dân tham gia đề án phát triển cây cam chất lượng cao vùng bán sơn địa. Thực hiện đề án, từ năm 2018 đến nay, toàn huyện Cẩm Xuyên đã trồng mới 12,14 ha cam ở 8 xã vùng bán sơn địa: Cẩm Minh, Cẩm Quan, Cẩm Thịnh, Cẩm Trung, Cẩm Mỹ, Cẩm Sơn, Cẩm Hưng, Cẩm Lạc. Để nhân rộng diện tích trồng cam chất lượng cao, tại các xã thuộc đề án đã thành lập các tổ hợp tác nhằm cung ứng về giống, kỹ thuật…
Theo Phòng NN&PTNT huyện Cẩm Xuyên, trồng cam chất lượng cao quan trọng nhất vẫn là khâu chọn giống. Vì vậy, địa phương đã đưa vào sản xuất các loại giống như: Giống cam chanh Hà Tĩnh do doanh nghiệp tư nhân Tân Thanh Phong cung ứng; giống cam CS1 ở vùng Hòa Bình, Sơn La, Nghệ An và giống cam không hạt V2 được trồng phổ biến ở các tỉnh phía Bắc.
Áp dụng kỹ thuật, cam vùng đồi Cẩm Lạc phát triển tốt, cho năng suất cao
Không chỉ chặt chẽ từ khâu chọn giống, địa phương còn chú trọng nâng cao kiến thức, trình độ canh tác cho người dân. Từ năm 2018 đến nay, Cẩm Xuyên đã tổ chức hàng chục cuộc tập huấn cho bà con; trong đó có những cuộc tập huấn do chuyên gia từ Viện Rau quả Trung ương, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đứng lớp.
Nhờ áp dụng kỹ thuật, cây cam bước đầu đạt yêu cầu sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh. Tuy vậy, quá trình tiếp cận kiến thức mới nên nhiều hộ vẫn còn lúng túng trong việc áp dụng vào thực tiễn, một số mô hình vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng. Do đó, để đẩy mạnh triển khai đề án, huyện Cẩm Xuyên đang xây dựng các cơ chế chính sách để ưu tiên kích cầu phát triển.
“Vùng đất ven đồi của Cẩm Xuyên rất thích hợp để phát triển cây cam. Địa phương xác định đây là mũi đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Vì vậy, thời gian tới, chính quyền sẽ khuyến khích bà con mạnh dạn mở rộng diện tích để phát triển theo hướng hàng hóa, tiến tới xây dựng thương hiệu cam Cẩm Xuyên đạt tiêu chuẩn VietGap, OCOP” - ông Lê Ngọc Hà, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cẩm Xuyên nhấn mạnh.
Theo Quang Minh - Anh Thư/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn