|
Được triển khai từ năm 2004 tại huyện Hoài Nhơn với tên gọi Chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi do Hà Lan tài trợ, đến nay Chương trình đã hỗ trợ cho nông dân xây dựng và đưa vào sử dụng 1.194 hầm biogas. Cách đây 8 năm, khi chương trình mới được triển khai, nhiều người dân đã không ủng hộ, vì cho rằng phân của gia súc, gia cầm cho vào hầm thì không có gì bón cho cây trồng. Lại có ý kiến phản đối vì khí sinh ra từ phân sẽ bẩn, không phù hợp với việc đun nấu thức ăn, nước uống. Theo thói quen, người dân gom phân tươi thành đống rồi ủ để bón cây. Phần nước rửa chuồng được xả thẳng ra vườn hoặc kênh mương rất mất vệ sinh, ô nhiễm nguồn nước, có nơi còn làm ngộ độc cây trồng, gây thất thu mùa vụ. Hiện nay, suy nghĩ của người dân về hầm biogas và xử lý chất thải đã khác trước.
Chị Nguyễn Thị Hồng Xuân – một hộ chăn nuôi tại Khối 3- thị trấn Bồng Sơn cho biết: “Gia đình tôi hiện đang nuôi hơn 20 lợn thịt. Khu vực tôi đang ở đông đúc dân cư. Nếu không có hầm biogas xử lý phân lợn thì tình trạng ô nhiễm môi trường, mùi hôi thối sẽ rất lớn”.
Không chỉ người chăn nuôi tại thị trấn áp dụng, mà hiện nay hầm biogas có ở 17/17 xã, thị trấn của huyện. Hàng trăm hộ dân không có trong danh sách đối tượng ưu đãi được hỗ trợ của chương trình cũng tự bỏ kinh phí từ 9 -10 triệu đồng để xây dựng hầm vì thấy được lợi ích lớn của nó. Các xã có số hầm biogas nhiều nhất huyện là Hoài Tân, Hoài Hương, Hoài Hảo, Hoài Phú và Hoài Xuân với bình quân hơn 200 hầm/xã.
Một hộ khác, chị Lừng Thị Ninh – làm nghề nấu rượu, chăn nuôi ở thôn Thuận Thượng 2 – Hoài Xuân cho biết: “Nhà tôi nuôi 10 lợn thịt, 1 lợn nái, 2 con bò nhưng chưa có hầm biogas. Tôi thấy mô hình hầm biogas của các gia đình khác rất tiện lợi nên ưng ý. Thời gian tới tôi sẽ tiết kiệm tiền để xây dựng hầm xử lý chất thải chăn nuôi lấy khí đun nấu ăn, nấu rượu, chất lượng rượu sẽ ngon hơn vì khí gas đốt đều hơn củi, ít làm bẩn bếp, giảm được chi phí củi đốt ít nhất 150 ngàn đồng hàng tháng. Phân lấy từ hầm đem bón ruộng lúa, ngô và cây ăn quả mà không mất nhiều thời gian ủ phân tươi như trước”.
Người xây dựng và sử dụng hầm biogas tại huyện đã sáng tạo lắp một ống vào bể phân giải để lấy phân tự động khi đầy thay vì phải dỡ nắp hầm lấy phân định kỳ theo thiết kế của chương trình đưa ra. Cách kết hợp công trình vệ sinh khép kín với hầm biogas đã giúp giảm chi phí xây bể thấm cho nhà vệ sinh. Tuy nhiên, có một số hộ sử dụng chưa đúng cách nên vẫn xảy ra tình trạng gây mùi khó chịu. Nguyên nhân do hầm đang nhiều gas mà lại tiếp tục nạp phân và nước rửa chuồng vào làm phân tươi trào ra ở bể điều áp, hoặc vô tình để khí thoát ra ngoài. Cách khắc phục là mỗi hộ sử dụng hầm nên lắp một đồng hồ đo gas và quan sát, nếu kim đồng hồ chỉ ở mức 13 trở lên thì nên đốt gas đun nấu đến khi hạ xuống khoảng 6 -7 hãy nạp nhiên liệu theo mức qui định vào hầm. Thường xuyên theo dõi hầm và đường ống dẫn khí để kiểm tra khắc phục nơi rò rỉ, lấy phân định kỳ. Những hộ chăn nuôi số lượng gia súc, gia cầm lớn mà không sử dụng hết gas thì đốt bỏ, không được xả khí ra môi trường.
Theo ông Trần Nhật Phương – cán bộ Trạm khuyến nông huyện, kỹ thuật viên dự án khí sinh học huyện cho biết : “Thời gian qua, hầm biogas đã đem lại lợi ích rất lớn cho nông hộ và cộng đồng. Chỉ cần chăn nuôi khoảng 5 – 6 lợn thịt là đủ khí để đun nấu thức ăn, nước uống cho cả gia đình. Ngoài việc lấy khí đốt, đã có 02 hộ chăn nuôi gia trại ở xã Hoài Đức dùng khí để chạy máy phát điện sử dụng tại gia đình. Từ những thành công đạt được, dự án khí sinh học sẽ tiếp tục hỗ trợ xây hầm cho nông dân trong 2 năm tiếp theo với 120 công trình/năm.
Hầm biogas đã làm giảm chi phí cho nông dân, giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn, hướng đến chăn nuôi bền vững. Làm cho không khí trong lành hơn, cảnh quan xanh - sạch - đẹp, đời sống văn minh hơn, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng Nông thôn mới ở địa phương. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn