Từ lâu, Bình Định xác định giống là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu cấu thành năng suất và hiệu quả SX; nhất là trong tình hình biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp, thiên tai, hạn hán, bão lũ xảy ra bất thường.
Cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, Bình Định đã phê duyệt đề án nghiên cứu, SXKD và quản lý giống cây trồng giai đoạn 1999-2005; tiếp đến là ban hành chính sách hỗ trợ phát triển giống cây trồng giai đoạn 2010-2015 và hàng loạt chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, giống cây, con, vốn vay... nhằm khuyến khích nông dân đưa các giống cây con mới vào SX.
Nhiều đơn vị SX giống cây trồng, vật nuôi trong tỉnh được trang bị cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ cho công tác nghiên cứu, chọn lọc, SX khảo nghiệm các loại giống mới có tiềm năng năng suất cao để phục vụ SX.
Qua nhiều năm tuyển chọn, sàng lọc, đến nay Bình Định đã có “vốn liếng” khá “giàu có” về các loại giống cây trồng. Riêng với cây lúa đã có đến 45 giống, trong đó có 28 giống lúa thuần và 17 giống lúa lai. Những giống lúa được chọn vào cơ cấu không chỉ có tiềm năng năng suất cao mà còn phù hợp với nhiều chân đất, khí hậu từng địa phương, đáp ứng nhu cầu SX cho tất cả các vụ trong năm.
Ông Hồ Ngọc Hùng, Phó GĐ Sở NN-PTNT Bình Định cho biết: “Trong những năm gần đây Bình Định đẩy mạnh việc tuyển chọn những giống lúa thuần có giá thành thấp nhưng năng suất cho không kém các giống lúa lai, đồng thời gạo có chất lượng khá đưa vào SX nên bà con nông dân rất ưng bụng.
Có thể đơn cử như các giống thuần VTNA-2, Hoa ưu 109, TBR1, Q5, TBR36… đạt năng suất trên 70 tạ/ha; các giống lúa lai HYT 108, BIO 404, Xuyên Hương 178, XT 16… cho năng suất 80 tạ/ha được nông dân đưa vào SX đại trà.
Lúa thuần Hoa Ưu 109 được nông dân Bình Định tin dùng
Đặc biệt những năm gần đây, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu gây ra hạn hán kéo dài nên Bình Định đẩy mạnh chuyển đổi sang làm cây trồng cạn trên đất lúa. Theo đó, các loại cây trồng cạn chủ lực trong tỉnh cũng đã được đưa vào giống mới như đậu phụng Mỏ két; bắp giống VN 8960; mía giống K88-92 và K84-200; mì giống KM 94, KM 140, KM 98 có tiềm năng năng suất và chất lượng cao”.
Không chỉ có giống cây trồng mà Bình Định còn đầu tư mạnh trong lĩnh vực giống vật nuôi. Trong những năm qua, Bình Định đã “rộng tay” trong việc đầu tư mua các giống bò lai, heo giống ngoại Landrace, Yorkshire, Pidu, Petrain và các giống: dê, thỏ, gia cầm... có nguồn gốc từ Úc, Mỹ, New Zealand, Thái Lan, Hungari, Ai Cập để chuyển giao cho nông dân SX, nhờ đó hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi tăng rõ rệt.
Nhờ có nhiều loại giống cây trồng phù hợp, chất lượng cao; bố trí mùa vụ hợp lý; áp dụng phương pháp canh tác xen canh, luân canh; đưa tiến bộ KHKT vào SX…nên Bình Định đã hình thành được những cánh đồng cho thu nhập cao, tạo ra sản lượng hàng hóa lớn.
Ví như ở xã Cát Hải (Phù Cát), vùng đất cằn khô mà trước đây nông dân không thể kiếm đủ miếng ăn trên mảnh đất quê nhà thì nay nhờ sử dụng giống tốt, áp dụng tiến bộ KHKT vào SX nên giờ nông dân đã có thể làm giàu ngay chính trên mảnh đất ấy.
Ông Đặng Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Cát Hải cho biết, toàn xã có 185 ha đất trồng lúa, trên diện tích này nông dân làm xong vụ lúa ĐX tiếp đến làm ngay vụ đậu phộng hè và trồng hành vụ thu. Còn với 200 ha đất màu, bà con làm vụ hành ĐX xong trỉa đậu phộng vụ hè rồi làm tiếp cây hành vụ thu. Nhờ thâm canh nên năng suất lúa ở Cát Hải đã đạt bình quân 57 tạ/ha, năng suất đậu phộng đạt bình quân 30 tạ/ha và cây hành đạt từ 75 - 80 tạ/ha.
Đậu phộng, cây làm giàu ở Bình Định
Trên những diện tích đất lúa quay vòng 3 vụ lúa ĐX - đậu hè và hành thu nông dân thu nhập từ 300 - 400 triệu đồng/ha/năm. Nếu là đất màu làm xen canh 3 vụ hành - đậu - hành sẽ cho thu nhập đến 500 triệu đồng/ha.
Ông Phạm Trường Quy ở thôn Tân Thanh, xã Cát Hải bộc bạch: “Từ 6 sào ruộng SX lúa gieo khô mỗi năm làm chỉ được 1 vụ năng suất thấp tui đã chuyển sang làm đậu phụng và hành. Sử dụng các loại giống mới cho năng suất cao, mỗi năm luân canh 3-4 vụ, áp dụng biện pháp đầu tư chăm sóc thâm canh, mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng. Nhờ vậy, gia đình tui không chỉ đủ ăn mà còn có tích lũy được vốn để sắm ghe đánh bắt tôm hùm giống, mỗi năm thu về thêm hàng chục triệu đồng nữa”.
Niềm phấn khởi nói trên không chỉ ông Quy mới có, mà hiện nay hầu hết nông dân ở xã miền biển này đều có thu nhập cao trên mảnh đất quê nhà.
“Trong năm 2013 vừa qua, năng suất lúa bình quân tại Bình Định ước đạt 59,2 tạ/ha, đây là mức năng suất cao nhất từ trước đến nay. Đặc biệt công tác chuyển đổi từ cây lúa sang các loại cây trồng cạn năm vừa qua đạt cao và hiệu quả hơn so với năm trước. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản trong năm vừa qua của Bình Định đạt trên 5.787 tỷ đồng, tăng 3% so với năm trước. Thành quả này có được là nhờ vào nhiều yếu tố, trong đó có việc sử dụng các loại giống cây trồng, vật nuôi mới, cho năng suất cao, chất lượng tốt”, ông Phan Trọng Hổ, GĐ Sở NN-PTNT Bình Định. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn