1. Tổng quan về ngành chăn nuôi gia cầm ở Thái Lan
Tính đến tháng 1/2003, trước khi bùng nổ dịch cúm gia cầm ở nước này, Thái Lan có 252,7 triệu con gà, 23,8 triệu con vịt, 3,7 triệu con chím cút và 15,9 ngàn con đà điểu (Số liệu thống kê của Cục Phát triển chăn nuôi, Thái Lan). Tổng đàn thuỷ cầm gồm 8,8 triệu vịt thịt, 8,9 triệu vịt đẻ và phần còn lại là ngan. Cơ cấu đàn gà gồm 165,3 triệu con gà giò, 24,3 triệu gà đẻ và 63,1 triệu gà bản địa. Sau khi xảy ra 4 đợt cúm gia cầm rải rác từ tháng 1/2004 đến tháng 8 năm 2006, tổng đàn gia cầm bản địa đã giảm; hiện chỉ còn khoảng 60 triệu gà bản địa và 10 triệu vịt. Gà giò được nuôi chủ yếu trong các trang trại hiện đại (như của Tập đoàn CP) để xuất khẩu: trước dịch cúm gia cầm xuất khẩu khoảng 20 triệu con/tuần, giữa năm 2005 là 14-15 triệu con/tuần và tháng 11/2006 là khoảng 16-17 triệu con/tuần.
Chi phí sản xuất cho gà giò công nghiệp trong năm 2006 tương đương với năm 2005. Chi phí sản xuất trung bình là khoảng 29,0 bạt/kg gà giò hơi, trong đó 6,0 bạt để mua gà giống một ngày tuổi, 19,0 bạt tiền thức ăn, 1,0 bạt cho vắc xin và thuốc thú y, 3,00 bạt cho lao động và các chi phí khác. Do cung ứng không đáp ứng được cầu nên giá gia cầm nội địa đã tăng gấp đôi trong năm 2005. Giá trung bình cả nước đối với gà hơi trong năm 2005 tăng lên 32% so với cùng kỳ năm 2004, lên tới 32,33 bạt/kg. Giá thịt lườn gà không xương ở Bangkok năm 2005 là 68,42 bạt/kg so với 59,25 bạt/kg năm 2004. Giá gà hơi trung bình bán buôn tại trại năm 2006 là khoảng 35 bạt/kg.
Thái Lan cũng là nước có hệ thống chế biến thức ăn chăn nuôi hiện đại, đảm bảo an toàn sinh học và an toàn thức ăn chăn nuôi cao, điển hình là các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi của Tập đoàn CP. Thức ăn thành phẩm được xe tải xylô chuyên dùng chở thẳng xuống trang trại chăn nuôi để nạp vào xylô dự trữ, tránh quá trình tiếp xúc của chim hoang dã với thức ăn. 80% thức ăn được vận chuyển theo xylô, còn lại 20% được đóng gói. Tính đến tháng 1 năm 2003, Thái Lan có 155 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đến sản phẩm cuối cùng, 177 nhà máy chế biến bột cá, 17 nhà máy chế biến bột đậu tương, 37 nhà máy chế biến các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi khác. Nước này cũng có mạng lưới phân phối thức ăn chăn nuôi với 6.624 cơ sở dịch vụ.
2. Đổi mới chăn nuôi gia cầm ở Thái Lan
Chăn nuôi gà công nghiệp an toàn sinh học cao (Ảnh minh họa theo poultryhub.org)
2.1. Chăn nuôi gà
Tương tự như ở Việt Nam, FAO phân loại 4 hình thức chăn nuôi gia cầm gồm chăn nuôi công nghiệp an toàn sinh học cao, chăn nuôi bán công nghiệp có an toàn sinh học trung bình, chăn nuôi gia cầm hàng hoá qui mô nhỏ có mức độ an toàn sinh học thấp và chăn nuôi gia cầm qui mô nhỏ tại nông hộ không đảm bảo an toàn sinh học. Hiện nay, Thái Lan đã, đang và sẽ thực hiện tái cơ cấu chăn nuôi gia cầm để nâng cao an toàn sinh học thông qua các giải pháp sau:
Đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm công nghiệp, khép kín tất cả các khâu từ con giống, thức ăn, giết mổ chế biến và bán sản phẩm. Hình thành hệ thống trang trại chăn nuôi áp dụng công nghệ cao để điều khiển tự động hoàn toàn các hoạt động của trại như điều hoà nhiệt độ, độ ẩm, thông gió, lượng khí độc, thức ăn, nước uống, khẩu phần thức ăn, kiểm tra tăng trọng, hồ sơ theo dõi...Gà giò nuôi công nghiệp kiểu này đạt 2,3-2,4 kg/con sau 42 ngày tuổi, với chi phí thức ăn khoảng 1,8 kg/kg tăng trọng.
Chuyển đổi mạnh từ chăn nuôi gà qui mô nhỏ tại nông hộ sang chăn nuôi gà theo trang trại tiêu chuẩn do Cục Phát triển chăn nuôi thẩm định và cấp phép. Ví dụ như tỉnh Sakaeo trước dịch cúm gia cầm có 300.000 trang trại gia cầm nhưng hiện nay chỉ còn 60 trang trại tiêu chuẩn.
Hỗ trợ chuyển đổi từ hình thức chăn nuôi gà không kiểm soát sang chăn nuôi có kiểm soát tại các nông hộ.
Hệ thống chăn nuôi, giết mổ, chế biến công nghệ cao phục vụ xuất khẩu các sản phẩm gia cầm của Tập đoàn CP đã chuyển h¬ướng từ xuất khẩu sản phẩm gia cầm chưa chế biến sang các sản phẩm gia cầm đã chế biến để đáp ứng yêu cầu mới của thị trường xuất khẩu. Các cơ sở giết mổ và chế biến của Tập đoàn đang áp dụng 5 loại tiêu chuẩn chất lượng như GMP, HACCP, ISO 9001-2000, BRC, ACP. Ngoài ra các tiêu chuẩn về phúc lợi động vật và khả năng truy tìm nguồn gốc của bất kỳ sản phẩm nào cũng được đáp ứng trong dây chuyền này. Nhờ đó, Tập đoàn này đã đáp ứng các nhu cầu khắt khe về nhập khẩu sản phẩm gia cầm đã chế biến của EU và Nhật Bản... trong bối cảnh dịch cúm gia cầm đe doạ, đồng thời vẫn giữ vững đư¬ợc sản xuất và thị trường của Tập đoàn.
2.2. Chăn nuôi vịt ở Thái Lan
Tương tự ở Việt Nam, chăn nuôi vịt thả đồng cũng là một nghề truyền thống ở Thái Lan. Hiện nay, Thái Lan có khoảng 10 triệu con vịt, trước dịch cúm gia cầm 80% đàn vịt là nuôi không kiểm soát. Sau dịch cúm gia cầm, nư¬ớc này nhanh chóng tổ chức lại hình thức chăn nuôi này để nâng cao an toàn sinh học. Chính phủ Thái Lan có chính sách hỗ trợ các chủ trại chăn nuôi vịt thả đồng sang nuôi nhốt; đầu tư 5 tỉ bạt thông qua 5 ngân hàng để hỗ trợ chủ trang trại vay vốn với lãi suất 2% năm để phục vụ chuyển đổi. Đồng thời Thái Lan cũng tài trợ cho việc chuyển đổi; tính bình quân, mỗi chủ trại nuôi một đàn vịt khoảng 3.000 con sẽ được tài trợ 3.500 bạt. Trong quá trình chuyển đổi, hàng loạt hợp tác xã chăn nuôi vịt được thành lập. 10-15% số người chăn nuôi gia cầm tại nông hộ chuyển đổi sang nghề khác với sự trợ giúp đào tạo và hỗ trợ chuyển đổi nghề từ Cục Phát triển chăn nuôi.
Bên cạnh các trang trại nuôi bán chăn thả, đã hình thành các trang trại hiện đại chăn nuôi vịt có sử dụng công nghệ cao để điều khiển tự động hoàn toàn các hoạt động của trại như điều hoà nhiệt độ, độ ẩm, thông gió, lượng khí độc, thức ăn, n¬ước uống, khẩu phần thức ăn, kiểm tra tăng trọng, hồ sơ theo dõi...Vịt nuôi công nghiệp kiểu này đạt 3,2-3,5 kg/con từ 42-45 ngày tuổi, với chi phí thức ăn thấp.
2.3. Mô hình hợp tác xã chăn nuôi vịt đẻ nuôi nhốt
Tỉnh Chai nat của Thái Lan là một tỉnh bị thiệt hại lớn do dịch cúm gia cầm. Đây là một tỉnh có đàn gia cầm lớn, đặc biệt là vịt. Tính đến tháng 12 năm 2006, tỉnh có 100 trang trại nuôi khoảng 200.000 vịt. Đổi mới để tăng cường an toàn sinh học, tỉnh đã xây dựng mô hình hợp tác xã chăn nuôi vịt trang trại, điển hình là Hợp tác xã nuôi vịt ở cụm xã Bruklusi, huyện Munung, tỉnh Chai nat.
Hợp tác xã này nhận tài trợ ban đầu 2 tỉ bạt từ Cục Hợp tác xã để xây dựng chuồng trại và mua thức ăn cho vịt đẻ và khoản vay lãi suất ưu đãi 1%/năm. Hợp tác xã này có 300 thành viên, Ban chủ nhiệm có 15 thành viên trong đó 3 người tham gia điều hành, đứng đầu là chủ nhiệm HTX. Ba người này đều không được nhận lương từ HTX nhưng nhận trợ cấp mỗi lần họp 200 bạt (tháng họp 2 lần). Các thành viên chính thức không phải nộp lệ phí hàng tháng. Thành viên mới phải nộp lệ phí khi gia nhập HTX, có thể viết đơn và dự án để Ban Chủ nhiệm hợp tác xã cho vay vốn với lãi suất ưu đãi ở trên. HTX thu mua toàn bộ trứng của xã viên với giá ổn định và cao hơn thị trường, đồng thời bán thức ăn cho xã viên với giá rẻ hơn thị trường từ 1,5 đến 1,7% và cung cấp các loại thuốc thú y. HTX cũng tổ chức tiêm vắcxin miễn phí cho vịt của xã viên 2 lần/năm, đào tạo kỹ thuật và cung cấp các loại hạt giống khác cho xã viên. HTX bán buôn trứng cho thương lái, chủ yếu để làm trứng muối. Mỗi trại vịt đẻ thường nuôi từ 2.000-2.300 con, tỉ lệ đẻ trứng khoảng 90%. 90% xã viên nuôi vịt có lãi, còn lại 10% các thành viên mới do thiếu kinh nghiệm và kỹ thuật nên thường không có lãi trong 2 năm đầu mới nuôi.
2.4. Mô hình nuôi gà chọi
Thái Lan là một nước có truyền thống chơi gà chọi để thi đấu và cá cư¬ợc hợp pháp. Các chủ trại nuôi gà chọi khép kín từ chọn tạo giống, nuôi dưỡng, huấn luyện gà, mở sới đấu gà để đăng ký kinh doanh. Một số chủ trại lớn có thể mở nhiều sới và cả đấu trường đấu gà. Giá vé cho người xem là 50 bạt và giải thưởng cao nhất theo qui định là 20.000 bạt, người thắng phải nộp thuế 20%. Tại làng Nonjit, cụm xã Borrae, huyện Watsing, tỉnh Chai nat có 50 hộ nuôi gà chọi với tổng đàn khoảng 3.000 con. Trang trại của ông Songwut Taitani nuôi tới 300 con gà chọi, trong đó có cả gà chọi giống mua từ Việt Nam. Có một vài con gà chọi giống quí có giá từ 1.000 đến 1.500 USD. Theo ông chủ thì trang trại hàng năm thu lãi khoảng 50.000 bạt.
Để nâng cao công tác quản lý nhà nước, Cục Phát triển chăn nuôi qui định đăng ký và cấp phép cho từng chủ hộ, từng con gà chọi được kiểm tra và cấp hộ chiếu. Khi mang gà chọi đi thi đấu phải mang kèm hộ chiếu của gà. Khi đưa gà và xe cộ từ bên ngoài vào trại đều phải khử trùng.
3. Một số vấn đề tồn tại trong chăn nuôi gia cầm ở Thái Lan
Mặc dù đã áp dụng nhiều biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm tốt hơn Việt Nam nhưng nước này vẫn có nguy cơ cao tái lây nhiễm và bùng phát dịch cúm gia cầm. Các nguyên nhân sau có thể được đề cập:
Chăn nuôi gia cầm tại nông hộ, đặc biệt là chăn nuôi vịt thả đồng vẫn chưa quản lý hiệu quả và cách ly triệt để, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa.
Nguyên cơ lây nhiễm vi rút cúm gia cầm từ các đàn chim hoang dã đối với gia cầm nuôi tại nông hộ cao.
Do Thái Lan không sử dụng vắcxin cúm gia cầm trong suốt thời kỳ bị dịch nên nguồn vi rút bài xuất ra môi trường sẽ là một nguồn lây nhiễm tiềm tàng.
Để nâng cao an toàn sinh học, Thái Lan tăng cường kiểm soát chặt chẽ chăn nuôi gia cầm bản địa tại nông hộ, chuyển đổi từ hình thức chăn nuôi không kiểm soát sang chăn nuôi có kiểm soát với sự hỗ trợ từ Chính phủ Thái Lan.
TS. Tống Xuân Chinh
Cục phó Cục chăn nuôi
(Theo Báo cáo tại Diễn đàn "Phát triển chăn nuôi thủy cầm an toàn sinh học")
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn