Vừa qua, Hội đồng khoa học và công nghệ tỉnh Đồng Tháp do TS Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ làm chủ tịch hội đồng đã tổ chức đánh giá nghiệm thu dự án “Chuyển giao quy trình sản xuất nhanh chế phẩm nấm xanh Ometar ở quy mô nông hộ và xây dựng mô hình ứng dụng Ometar trong phòng trừ rầy nâu hại lúa tại tỉnh Đồng Tháp”.
Đây là dự án do TS. Nguyễn Thị Lộc chủ nhiệm, Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long chủ trì với mục tiêu chuyển giao cho nông dân quy trình sản xuất nhanh chế phẩm nấm xanh Ometar và xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm nấm xanh Ometar trong phòng trừ rầy nâu hại lúa tại tỉnh Đồng Tháp.
Sau 24 tháng triển khai thực hiện tại 05 huyện (Châu Thành, Tháp Mười, Lấp Vò, Thanh Bình, Tân Hồng) thì quy trình sản xuất nhanh chế phẩm nấm xanh Ometar đã được chuyển giao đến nông dân dưới hình thức nông hộ, câu lạc bộ, có mô hình thực nghiệm và mở rộng mô hình, có so sánh đối chiếu với mô hình của nông dân; có quy trình sản xuất nhanh chế phẩm, quy trình bảo quản và giải pháp xử lý phế phẩm trong quá trình sản xuất; chế phẩm nấm xanh Ometar chuyển giao cho nông dân thực hiện có chất lượng tốt và ổn định.
Sản phẩm của dự án không những đáp ứng mục tiêu, yêu cầu khoa học đã đăng ký mà còn có chất lượng tốt hơn; cụ thể là dự án đăng ký quy trình sản xuất chế phẩm Ometar có mật số bào tử là 2 x 109 bào tử/gr nhưng kết quả đã sản xuất được chế phẩm Ometar với mật số 2,13 x 109 bào tử/gr. Hoặc dự kiến sẽ thực hiện trên diện tích là 540 ha nhưng thực tế đã ứng dụng trên 594,95 ha.
Bên cạnh đó dự án đã kế thừa các kết quả nghiên cứu từ các đề tài, dựa án trước đó do tác giả và cộng sự thực hiện, ứng dụng công nghệ sinh học và tiến bộ khoa học khác để sản xuất chế phẩm trừ sâu sinh học. Quy trình sản xuất chế phẩm nấm xanh Ometar đã được chuyển giao để nông hộ tự sản xuất ở quy mô nông hộ ứng dụng cho 594,95 ha lúa ở 5 huyện của tỉnh Đồng Tháp đã góp phần tích cực trong việc phòng trừ rầy nâu hại lúa, giúp tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch cung ứng cho con người và không gây ô nhiễm môi trường.
Dự án “Chuyển giao quy trình sản xuất nhanh chế phẩm nấm xanh Ometar ở quy mô nông hộ và xây dựng mô hình ứng dụng Ometar trong phòng trừ rầy nâu hại lúa tại tỉnh Đồng Tháp” là một điểm sáng về ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực trên địa bàn thực hiện dự án, góp phần cải thiện đời sống của người nông dân, nâng cao niềm tin và ý thức của người dân trong việc ứng dụng các chế phẩm sinh học vào sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, hội đồng đề nghị nhóm tác giả giải thích rõ hơn (cơ sở khoa học – cơ sở thực tiễn) về giải pháp xử lý phế phẩm trong quá trình sản xuất chế phẩm nấm xanh Ometar; trình bày rõ hơn cách khắc phục các khó khăn trở ngại khi thực hiện mô hình; cách nào để người dân giữ giống gốc (nấm xanh), nếu mua thì có bền vững không?, giá cả thế nào?; cần làm rõ cách sử dụng nấm xanh như: phun lúc nào (bao nhiêu ngày sau sạ), lúc có mật độ rầy nâu bao nhiêu con/tép, phun bao nhiêu lần/vụ, khi nào phun 1 lần, khi nào phun 2 lần hoặc 3 lần.
Dự án đã được Hội đồng khoa học và công nghệ Tỉnh nghiệm thu xếp loại Khá
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn