Màn trình diễn máy bay không người lái của Công ty cổ phần Đại Thành
Diễn đàn Công nghệ nông nghiệp và thủy Sản Mekong 2018 là hoạt động nằm trong khuôn khổ các chương trình kết nối cung – cầu công nghệ do Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ, Đại học Cửu Long và Hiệp hội Thông tin công nghiệp Châu Á - AIPA tổ chức.
Trong khuôn khổ diễn đàn, bên cạnh chuỗi hội thảo chuyên đề về công nghệ thông minh phục vụ sản xuất nông nghiệp và thủy sản, còn có triển lãm giới thiệu công nghệ với quy mô hơn 40 gian hàng của 35 đơn vị, doanh nghiệp (DN) Việt Nam và quốc tế đến từ các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia,…. Các DN này hoạt động trong các lĩnh vực: Thực phẩm, chế phẩm phục vụ nông nghiệp – thủy sản, phân bón, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đây đều là các giải pháp công nghệ mới, hướng tới nền nông nghiệp thông minh.
Trong đó, gây ấn tượng nhất là màn trình diễn máy bay không người lái (UAV) phun thuốc bảo vệ thực vật do Công ty Cổ phần Đại Thành thực hiện. UAV được điều khiển từ xa bằng điều khiển riêng biệt, có thể kết nối vào điện thoại, máy tính bảng để điều khiển qua sóng wifi. UAV giúp tiết kiệm đến 90% nước, gần 40% thuốc bảo vệ thực vật và rút ngắn khoảng thời gian phun thuốc xuống rất nhiều lần so với các loại bình phun thông thường. Đối với 1 ha, máy bay UAV chỉ mất thời gian 10 phút.
“Với những tính năng ưu việt đó, UAV chính là sản phẩm máy bay đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam giúp tiết kiệm tối đa chi phí, đặc biệt phát huy tác dụng trong việc nâng cao năng suất làm việc, giảm thiểu các tai nạn lao động, đồng thời bảo vệ sức khỏe con người và chống ô nhiễm môi trường một cách hiệu quả nhất” - ông Nguyễn Đức Trường - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Thành - khẳng định.
Bên cạnh đó, thiết bị tưới nhỏ giọt, tiết kiệm nước của Tập đoàn Netafim (Israel) cũng thu hút sự chý ý. Ông Vũ Kiên Trung - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Khang Thịnh, đại diện Tập đoàn Netafim tại Việt Nam - cho biết, việc đưa công nghệ tưới nhỏ giọt vào sử dụng được đánh giá là giải pháp hữu hiệu cho ngành nông nghiệp hiện nay. Với phương pháp này nhu cầu về nước thấp, việc vận hành được thường xuyên, phù hợp với những vùng có nguồn nước hạn chế và giúp cho rễ của cây luôn được thoáng khí. Nhờ đó mà giúp tăng tính hiệu quả hấp thu nước và chất dinh dưỡng của cây. Đồng thời, phân bón khi được cung cấp qua hệ thống này sẽ giảm sự rửa trôi hóa chất vào môi trường, giảm chi phí vận hành, giúp người dân kiểm soát chính xác lượng nước và phân bón. Trong khi đó, với một hệ thống tưới tự động trọn gói bao gồm, tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân qua nước cho diện tích khoảng 1 ha hiện nay có chi phí chỉ từ khoảng 50 - 70 triệu đồng.
Hay Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Công nghệ Điện tử Viễn thông (ELCOM) đã giới thiệu giải pháp nông nghiệp công nghệ cao Elcom gồm giải pháp công nghệ sinh học phục vụ cải tạo đất, dinh dưỡng cây trồng và giải pháp nhà màng nông nghiệp công nghệ cao. Với việc xử lý đất trồng bằng chế phẩm sinh học, giúp diệt hết các mầm bệnh, rễ cỏ và tăng độ xốp cho đất; Công ty Kingenta (Hàn Quốc) giới thiệu các sản phẩm phân bón kiểm soát, phân bón chậm tan, giúp kéo dài thời gian hấp thụ chất dinh dưỡng có lợi của cây trồng, giảm thiểu tối đa sự ô nhiễm môi trường; Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Vifarm đã giới thiệu về hệ thống điều khiển giám sát môi trường nuôi trồng bao gồm các thiết bị cảm biến đo độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng, nồng độ dinh dưỡng,… giúp quản lý toàn bộ hoạt động ở trang trại thông qua máy tính, điện thoại.
Tại Diễn đàn Công nghệ nông nghiệp và thủy sản Mekong 2018, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng nhấn mạnh: Hiện nay, mức độ tác động của công nghệ thông minh đến ngành sản xuất nông nghiệp của nước ta vẫn còn nhiều hạn chế. Nông nghiệp Việt Nam vẫn đang chủ yếu phát triển theo số lượng, dựa vào tài nguyên và lao động, dẫn đến chi phí vật tư quá cao (như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật), sử dụng quá nhiều nước, phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, chưa chủ động kiểm soát được chất lượng sản phẩm. Đây là tồn tại nhưng cũng chính là cơ hội hết sức to lớn cho ngành nông nghiệp chúng ta bứt phá và tiếp tục đảm đương vai trò bệ đỡ vững chắc cho nền kinh tế đất nước.
Việc sử dụng ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao chính là một trong những xu hướng tất yếu giúp nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản. Bởi các tiến bộ về khoa học và công nghệ đang làm thay đổi căn bản phương thức quản lý, cách thức sản xuất, từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại. Thực tế nhờ áp dụng khoa học tiên tiến, các tỉnh Lâm Đồng, Hà Nam, Hải Dương, Thái Bình, Bắc Ninh,… đã hình thành các cánh đồng công nghệ cao, cho ra những sản phẩm sạch, chất lượng cao, tạo thu nhập hàng tỷ đồng/ha/năm.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng: Với vai trò định hướng, hỗ trợ, thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cam kết sẽ có các hành động cụ thể, thiết thực, nhằm hỗ trợ các địa phương tăng cường ứng dụng công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ thông minh vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp, góp phần giải quyết các thách thức đang đặt ra. |
Quỳnh Nga/http://kinhtevn.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn