Ông Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Rynan Technologies Vietnam, trình bày về mô hình canh tác nông nghiệp thông minh. |
Ông Mỹ chia sẻ câu chuyện những mô hình kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ của thế giới như Uber, Alibaba đang tác động đến hoạt động kinh doanh không chỉ của ngành nông nghiệp mà là tất cả mọi ngành kinh tế, dịch vụ trong nước, đặc biệt khi Việt Nam đang đứng trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
"Chúng ta liệu có thể xây dựng công ty sản xuất lúa gạo lớn nhất thế giới, nhưng không sở hữu một thửa ruộng nào được hay không?", ông Mỹ cũng đặt vấn đề có cần phải thay đổi chính sách, quy định có liên quan đến vấn đề đất đai hay không. "Tôi nghĩ là không cần", ông nhấn mạnh vào nói rằng ở thế giới công nghệ 4.0 này hoàn toàn có thể thực hiện được điều đó.
Theo ông, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bắt buộc Việt Nam phải thay đổi nhanh chóng và có sự đột phá trong lĩnh vực hoạt động nông nghiệp, nếu muốn phát triển, nếu không sẽ hị bỏ lại phái sau.
Dẫn chứng câu chuyện thực tế ở Rynan Technologies, ông Mỹ cho biết cuối 2015 đơn vị này đã chuyển hướng trong hoạt động sản xuất, qua 2 năm xây dựng, đơn vị này đã hình thành nhà máy sản xuất 20.000 tấn phân bón theo mô hình nhà máy thông minh ở Trà Vinh.
Qua sự nghiên cứu và ghi nhận của bản thân, ông Mỹ cho rằng chuỗi giá trị lúa gạo hiện nay của Việt Nam đang có nhiều điểm hạn chế: khâu gieo trồng sử dụng quá nhiều cây giống, phân bón giả, kém chất lượng; khâu phân phối vẫn còn tình trạng "cò mồi" thu gom hàng, thương lái ép giá; khâu chế biến chưa có sự quan tâm và đầu tư trang thiết bị công nghệ cao nên khó kiểm soát chất lượng đầu vào và đầu ra hạt gạo; khâu thương mại thì bị cạnh tranh bởi gạo Thái Lan, Campuchia; khâu xuất khẩu vẫn còn tình trạng độc quyền bởi các doanh nghiệp nhà nước; khâu tiêu thụ thì sản phẩm không truy xuất được nguồn gốc và người tiêu dùng vẫn sống trong nỗi lo lắng gạo tồn dư hóa chất.
Chính vì vậy, theo ông Mỹ, không thể thay đổi một chuỗi giá trị lúa gạo mà chỉ dựa vào người nông dân, mà phải thay đổi dựa vào những tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế, biết cách ứng dụng giải pháp công nghệ cao, biết cách liên kết những điểm mạnh của các bên trong chuỗi cung ứng dựa trên nền tảng công nghiệp 4.0. "Đó là những điều chúng ta nên làm", ông Mỹ nhấn mạnh.
Từ quan điểm đó, ông Mỹ cho biết, trong 2 năm qua doanh nghiệp của ông đã phát triển nhiều giải pháp, ứng dụng dựa trên nền tảng công nghệ để canh tác lúa như máy bón phân thông minh, máy cấy vùi, máy phun phân bón vi sinh, máy sạ lúa vùi phân và phun vi sinh hay phao quan trắc môi trường dựa trên nền tảng kết nối Internet, và đã đạt được những kết quả khả quan.
Cụ thể, đối với việc bón phân chỉ cần bón 1 lần/vụ và lượng phân giảm hơn 50% so với cách truyền thống; nước canh tác giảm hơn 30%; lượng hóa chất bảo vệ thực vật giảm hơn 50%, công lao động, khí thải nhà kính cũng giảm. "Nhờ đó, giúp giúp giảm tác động của ô nhiễm môi trường", ông nói.
Không dừng lại ở đó, theo ông Mỹ, doanh thu và thu nhập của người dân ổn định hơn, "Đặc biệt, người dân canh tác không cần ra đồng vì tất cả đều được kết nối và điều khiển qua thiết bị thông minh", ông cho biết và cho rằng đây là hướng đi cho ngành nông nghiệp, mà chính bản thân các hộ nông dân, các nhà sản xuất có thể tự thực hiện, thay vì chỉ tập trung vào việc vận động chính sách từ nhà nước.
Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn