Tháng 6.2015 sẽ có cây trồng biến đổi gene.
Theo Phòng Quản lý nguồn gene và ATSH, Cục Bảo tồn đa dạng sinh học (Bộ TNMT), ngô BĐG mang sự kiện MON 89034 có tính kháng (chống) các loại sâu hại bộ cánh vảy (Lepidoptera) như sâu đục thân, sâu đục bắp và sâu khoang đã được xem xét và đánh giá rủi ro kỹ lưỡng bởi Tổ chuyên gia và phải được chấp thuận bởi Hội đồng ATSH Quốc gia là An toàn đối với môi trường và đa dạng sinh học theo đúng trình tự quy định trong Thông tư 08 của Bộ TNMT. Đây là sự kiện BĐG đầu tiên được cấp GCN ATSH tại Việt Nam.
Trước khi được cấp GCN ATSH tại Việt Nam, sự kiện MON 89034 đã được cấp phép phóng thích vào môi trường tại 8 quốc gia trên thế giới như Canada, Mỹ, Nhật Bản…
Báo cáo đánh giá rủi ro của ngô BĐG mang sự kiện MON 89034 đối với môi trường và đa dạng sinh học đã được Công ty TNHH Dekalb Việt Nam (chi nhánh Tập đoàn Monsanto) xây dựng dựa trên các kết quả nghiên cứu đã được chứng minh là ATSH trên thế giới và các số liệu qua các vụ khảo nghiệm hạn chế, khảo nghiệm diện rộng đối với sự kiện MON 89034 trong điều kiện thực tế tại Việt Nam (kết quả khảo nghiệm đã được Bộ NNPTNT chứng nhận đạt yêu cầu).
TS Phạm Văn Toản (Viện Khoa học Việt Nam), thành viên Hội đồng ATSH cho biết, việc quyết định cấp GCN ATSH của Bộ TNMT cùng với việc cấp giấy xác nhận các sự kiện ngô BĐG đủ điều kiện làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi của Bộ NNPTNT trong thời gian qua đánh dấu một bước tiến quan trọng của Việt Nam trong tiến trình ứng dụng cây trồng công nghệ sinh học trong nông nghiệp tại nước ta.
Theo ông Toản, như dự thảo sửa đổi Thông tư 23 của Cục Trồng trọt, chỉ cần khảo nghiệm cả diện hẹp và rộng cùng kết hợp 1 vụ nữa, thì vào khoảng tháng 6.2015 là nông dân có thể chính thức trồng đại trà cây trồng BĐG.
Trao đổi với NTNN, ông Trần Xuân Định – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT cho biết: “Chỉ cần khảo nghiệm cả diện hẹp và rộng cùng một vụ và các cơ quan chức năng đánh giá, nếu đảm bảo các yêu cầu sẽ được cấp phép trồng đại trà ngay sau khi khảo nghiệm”- ông Định nói.
Không cần khảo nghiệm thêm
Đại diện một doanh nghiệp đã tiến hành khảo nghiệm cây trồng BĐG cho rằng, điều đáng lưu tâm là các trình tự thủ tục và quy phạm khảo nghiệm phục vụ cho việc đánh giá và công nhận giống cây trồng mới của chúng ta đã được xây dựng từ năm 2006.
Trên thực tế, chúng ta đã quá lạc hậu để đáp ứng được đòi hỏi của thực trạng phát triển giống mới hiện nay. Việc sử dụng những thước đo cũ làm tiêu chuẩn để đánh giá và quản lý những công nghệ mới sẽ lại tạo ra những bất cập.
Do đó, một số ý kiến cho rằng, chúng ta có thể chọn lựa – một là chặt chẽ về mặt hành chính và đi từng bước cẩn trọng, hai là phát huy sự vận động của thị trường mà ở đó các cơ quan quản lý nhà nước đứng ở vai trò trọng tài để thúc đẩy tiến trình giới thiệu giống mới, với các tiêu chuẩn vượt trội hơn, ra thị trường, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, giúp nông dân có thể tiếp cận nhanh hơn với các giống cây trồng mới mà cụ thể là các giống cây trồng chuyển gene.
TS Nguyễn Trí Ngọc – nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: “Trong khi, các giống ngô BĐG này đã được thương mại hóa ở các nước khác, nên về thủ tục pháp lý đã hoàn toàn đủ. Bây giờ lại tiến hành khảo nghiệm theo kiểu cứ quanh quẩn “con gà, quả trứng cái nào có trước” thì chẳng biết tới khi nào nông dân mới chính thức được trồng”- ông Ngọc nói.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn