“Cái khó ló cái khôn” Chúng tôi đến thăm nơi sáng chế và cải tiến những chiếc máy cày mini đa năng của anh nông dân Nguyễn Mạnh Huỳnh đúng lúc anh vừa hoàn thành chiếc máy cày mini đa năng thứ 27 để kịp giao cho khách hàng ở Bình Định. Tranh thủ lúc nghỉ tay, Huỳnh kể cho chúng tôi nghe về sự ra đời của những chiếc máy này. Năm 2000, Huỳnh lập gia đình rồi cùng vợ về vùng đất ở xã Sông Phan lập nghiệp khi không có một tấc đất cắm dùi, chỉ có sự cần cù lao động. Ai thuê gì là vợ chồng anh làm nấy, chỉ mong kiếm được tiền mua gạo sống đắp đổi qua ngày. Sau nhiều năm vất vả mưu sinh, vợ chồng anh dành dụm được ít vốn để mua mấy sào đất trồng mì, bắp, đậu ở thôn An Vinh. Với sức lao động dẻo dai, chăm chỉ, tiết kiệm, đôi vợ chồng trẻ bắt đầu sống dư dật. Khi có thu nhập ổn định, Huỳnh mạnh dạn mở rộng diện tích sản xuất lên hơn 3ha. Đất nhiều, công thuê lao động ngày một tăng khiến vợ chồng anh phải tất bật ngày đêm bên những rẫy mì, bắp. “Nhìn đôi tay chai sạn, rớm máu của vợ mà tôi không khỏi xót lòng, trong khi đó, sức người có hạn nên một số rẫy, vườn của gia đình không kịp làm đất để xuống giống khi mùa mưa đang đến nên tôi buộc phải đắn đo suy ngẫm, phải làm cái máy để thoát khỏi cảnh khó khăn, vất vả này”, Huỳnh kể. Cơ duyên đã đến với Huỳnh trong một lần anh đi mua máy phun thuốc ở ngã ba 46, thị trấn Tân Nghĩa (Hàm Tân), anh thấy những cửa hàng bán phế liệu đang bày khá nhiều máy xới, máy cày đất, Huỳnh đánh liều mua một chiếc máy cày của Nhật đã qua sử dụng để về cày xới khu vườn của mình. Tuy nhiên, chiếc máy đó không thể phát huy công dụng trên vùng đất đá khô cằn ở An Vinh, khiến anh phải một lần nữa bỏ tiền đến những kho phế liệu để mua linh kiện về cải tiến chiếc máy cũ. Có lẽ, đôi tay chai sạn bên mảnh vườn bao năm đã giúp anh thực hiện ý tưởng cải tiến máy móc của mình. Qua nhiều lần tháo lắp, Huỳnh đã sáng tạo cho chiếc máy những chi tiết mới như: cặp bánh lồng, dàn xới, tay ga điều khiển, tốc độ hoạt động… Tất cả được anh “độ lại” để hình thành nên chiếc máy cày mini đa năng cầm tay, dễ sử dụng như hiện nay. Niềm vui ngoài mong đợi Năm 2009, lần đầu tiên ở thôn An Vinh, người ta nghe thấy tiếng máy cày nổ bành bạch rất vui tai, mọi người kéo nhau đến xem và ai cũng khen ngợi chiếc máy này. Ngay ngày đầu, Huỳnh đã cho chiếc máy cày xới toàn bộ khu đất của gia đình, luống nào luống đó thẳng hàng tăm tắp, lại còn dập được cỏ và tự lấp hàng sau khi xuống giống như ý muốn. Từ đó tiếng lành đồn xa, tên tuổi Huỳnh gắn liền với những chiếc máy cày mini đa năng lan đi khắp nơi. Tính đến nay, anh đã cung ứng ra thị trường tổng cộng 10 chiếc. Còn nhớ đầu năm 2010, có 2 nông dân ở thị trấn Lương Sơn (Bắc Bình - Bình Thuận) nghe tin đã tìm đến tận cơ sở sản xuất của anh Huỳnh để mua bằng được 2 chiếc máy cày mini, giá mỗi chiếc hơn 7 triệu đồng, và 2 chiếc máy đều hoạt động hiệu quả trên đồng đất Lương Sơn, công suất cao và tiện dụng gấp nhiều lần so với một số loại máy khác. Từ đó, những cuộc điện thoại gọi đến Huỳnh ngày càng nhiều, trong đó có không ít bạn bè đã bày tỏ sự tin tưởng, tạo động lực để anh tiếp tục sáng chế, cải tiến ra những chiếc máy khác có chất lượng tốt hơn. “Chiếc máy cày của tôi có thể cày hàng, tém cỏ và tự lấp hàng sau khi gieo giống. Khi cây bón phân đợt đầu, bà con có thể dùng máy để tếp hàng, bón phân… rất tiện lợi. Máy không tốn nhiều xăng, trung bình chỉ khoảng 3 lít xăng cho 1ha đất”, Huỳnh cho biết. Nhưng niềm vui đó không kéo dài được bao lâu, sau một thời gian hoạt động, chiếc máy cày mini đa năng bắt đầu bị trục trặc, một số chi tiết phải thay mới. Vì là hàng Nhật nên Huỳnh phải lùng sục khắp nơi tìm phụ tùng thay thế. Nhiều đêm anh nghĩ, phải làm sao thay thế động cơ, chi tiết máy, để cho ra đời chiếc máy “đàn anh” hoạt động hiệu quả hơn, phụ tùng dễ thay thế mà chi phí không cao, phù hợp với túi tiền nông dân. Đầu năm 2011, Huỳnh cải tiến thành công chiếc máy cũ thành máy “đàn anh” có công suất hoạt động cao hơn, trọng lượng máy gần 75kg. Ngoài chức năng lấp hàng, tém cỏ, giờ đây chiếc máy cày do Huỳnh cải tiến còn có thể cày được ruộng lúa, gieo sạ theo hàng, bón được phân trên nhiều loại đất, lại dễ sửa chữa và có nhiều phụ tùng thay thế, tháo lắp nhanh gọn. Nhờ cải tiến này mà chỉ trong 2 năm, Huỳnh đã bán ra thị trường 27 chiếc với giá 9 triệu đồng/chiếc, chủ yếu cho khách hàng các tỉnh miền Trung, miền Tây mà một số khách hàng đến từ Lào, Campuchia. Niềm vui của Huỳnh càng được nhân lên khi cuối năm 2012, anh được Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Hàm Tân bảo trợ đăng ký sản phẩm trong cuộc thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Thuận. Với chiếc máy hoàn thiện này, anh mong muốn sẽ góp phần giúp bà con nông dân đẩy mạnh sản xuất, tiết kiệm công lao động cũng như chi phí, góp phần nâng cao thu nhập. Hải An Nguồn:kinhtenongthon.com.vn | ||
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn