Thành công của đề tài đã góp phần đa dang hóa đối tượng nuôi, tạo thêm việc làm và thu nhập cho các cơ sở sản xuất giống cũng như hộ nuôi cá thương phẩm.
Ảnh: Đỗ Cho
Năm 2009, trường Đại học Nha Trang đã thực hiện thành công đề tài cấp tỉnh “Thử nghiệm sản xuất giống cá chim vây vàng tại Khánh Hòa”. Tuy bước đầu đã sản xuất thành công giống cá này, nhưng đề tài vẫn còn một số kết quả đạt chưa cao. Với niềm đam mê và tinh thần trách nhiệm., PGS.TS Lại Văn Hùng và nhóm cộng sự tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất giống cá chim vây vàng quy mô đại trà. Sau 2 năm thực hiện, đề tài đã hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo cá chim vây vàng từ khâu nuôi vỗ cá bố mẹ, cho đẻ và ấp nở trứng đến kỹ thuật ương nuôi cá bột mới nở đến 30 ngày tuổi và kỹ thuật ương nuôi cá giống.
Phó Giáo sư - Tiến sỹ Lại Văn Hùng – Chủ nhiệm đề tài cho biết cho đến nay, nhóm nghiên cứu có thể hoàn toàn chủ động về nguồn giống cá chim vây vàng, mọi quy trình kỹ thuật đều đã được hoàn thiện đầy đủ, khi nuôi thương phẩm cá phát triển rất tốt. Hiện tại, ông và các cộng sự đang nghiên cứu thêm về nguồn thức ăn cho cá chim vây vàng.
Việc chủ động trong khâu sản xuất giống có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc phát triển nuôi thương phẩm cá chim vây vàng tại Việt Nam. Không chỉ vì cá giống sản xuất trong nước có khả năng thích nghi tốt, khỏe mạnh hơn, nhờ đó tỷ lệ sống cao hơn so với cá giống nhập ngoại, mà quan trọng nhất là giúp hạ giá thành sản phẩm. Hiện giá cá giống của trường ĐH Nha Trang đang áp dụng thấp hơn từ 1.000 - 2.000đ/con so với cá giống nhập khẩu.
Phó Giáo sư – Tiến sĩ Đỗ Văn Khương - Chủ tịch Hội đồng Khoa học - Đào tạo Viện Nghiên cứu Hải sản cho rằng đây là thành công bước đầu rất đáng khích lệ. Tỉnh nên mở thêm đề tài nghiên cứu nuôi thương phẩm cá chim vây vàng bằng thức ăn công nghiệp để đẩy nhanh quá trình nuôi thương phẩm, đồng thời đảm bảo yếu tố môi trường hơn so với việc nuôi chủ yếu hiện nay từ thức ăn tươi sống.
Do nhu cầu giống cá chim vây vàng nuôi thương phẩm ngày càng tăng nên nhiều cơ sở sản xuất giống đã tích cực tiếp cận công nghệ sản xuất giống cá này. Sau khi được tập huấn và chuyển giao kỹ thuật, đã có 7 cơ sở nhận chuyển giao đã sản suất được gần 190.000 con giống với tỷ lệ sống trung bình 6,26%. PGS. TS Lại Văn Hùng cũng đề nghị giao lại đàn cá bố mẹ sau khi kết thúc đề tài cho trường Đại học Nha Trang quản lý để tiếp tục công tác nghiên cứu phát triển sản xuất giống, nhân rộng mô hình phục vụ nghề nuôi cá chim vây vàng tại Khánh Hòa.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lại Văn Hùng - Chủ nhiệm đề tài cho biết bước tiếp theo nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành chuyền giao kỹ thuật sản xuất giống và nuôi cá chim vây vàng cho các hộ nuôi không chỉ ở Khánh Hòa mà còn các tỉnh khác, từ miền Bắc đến miền Nam, đã phối hợp với các công ty lớn để nâng giá trị của cá này, gúip người dân có thêm nguồn thu nhập mới.
Cá chim vây vàng có giá trị kinh tế cao, dễ nuôi, tốc độ tăng trưởng nhanh, có khả năng nuôi quy mô công nghiệp trong lồng hoặc trong ao đất ở cả nước lợ và nước mặn. Dự kiến sản lượng cá chim vây vàng sản xuất được trong năm 2014 sẽ đạt trên 400 tấn, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Thành công của đề tài góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi biển, tạo thêm việc làm và thu nhập cho các cơ sở sản xuất giống và các hộ dân, cũng như thúc đẩy sự phát triển nghề nuôi thương phẩm những đối tượng có giá trị kinh tế cao tại Việt Nam.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn