“Kỹ sư” nông dân
Tuy chỉ mới học xong lớp 9 trường làng và tối ngày quanh quẩn với ruộng đồng nhưng lão nông Tám Thơ rất “khoái” nghiên cứu tìm tòi, mày mò sáng chế ra những nông cụ làm nông hết sức thiết thực.
Trao đổi với chúng tôi, ông Tám Thơ nhớ lại: “Năm 2005, nông dân xứ cù lao Bình Thủy hưởng ứng chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển sang trồng màu, đặc biệt là cây mè (vừng) ngày một nhiều, nhưng ai cũng gặp khó vì chưa quen. Nhà nông thường gặp rắc rối ở khâu sạ (vì chỉ sạ bằng tay) mè lên không đều, chỗ trúng chỗ mất”.
Trước tình cảnh trên, ông đã mày mò suốt mấy tháng trời để chế tạo ra máy sạ mè công suất gấp 6 – 7 lần sạ thủ công. “Ưu điểm của máy sạ mè của Tám Thơ là chỉ cần một người sử dụng nhưng sạ được 6 – 7 công/ngày; trong khi sạ tay, một người mỗi ngày giỏi lắm chỉ được 1 công; quan trọng hơn nữa là sạ bằng máy của Tám Thơ, mè lên rất đều, năng suất cao hơn sạ tay thông thường” – lão nông Tăng Ngọc Phú, ấp Bình Phú, xã Bình Thủy tấm tắc khen.
Còn anh Nguyễn Hữu Danh - Chủ tịch Hội ND xã Bình Thủy thì nhận xét: “Hầu như cứ sau mỗi mùa vụ, chú Tám Thơ lại cho ra một sản phẩm mới. Nói chung cái nào cũng đem lại lợi ích thiết thực cho bà con nông dân. Từ máy cắt đậu bắp, xe phun thuốc bảo vệ thực vật, cho đến máy sạ phân, máy tưới di động… Tất cả đều giúp cho nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm”.
Giúp ích cho nhà nông
Máy móc thiết bị do “kỹ sư” Tám Thơ sáng chế đã đạt được nhiều giải thưởng trong các hội thi sáng tạo kỹ thuật trong và ngoài tỉnh và được tặng nhiều bằng khen của Hội ND và UBND tỉnh.
Ông Phạm Văn Cường - Chủ tịch Hội ND huyện Châu Phú (An Giang) cho biết: “Trong chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng màu, nông dân thường gặp khó, do trồng màu đòi hỏi nhiều khâu hơn. Ở đây hễ khó cái nào, Tám Thơ lại “ra tay” gỡ cái nấy cho bà con bằng những tìm tòi sáng chế của mình”.
Máy móc thiết bị do “kỹ sư” Tám Thơ làm ra ngày càng được nhiều người biết đến mua hoặc bắt chước làm theo.
“Quan niệm của tôi là sản xuất máy móc ra nhằm giúp ích cho bà con nhà nông là chính, chủ yếu lấy công làm lời. Do vậy, hễ nhà nông nào mua tôi đều bán với giá rất rẻ, mình sáng chế ra quan trọng là làm sao giúp được cho nông dân là vui rồi” – lão nông Tám Thơ tâm sự.
Được biết, máy đánh rãnh (đánh luống) của Tám Thơ là một trong những sản phẩm được nông dân “tiêu thụ” mạnh nhất hiện nay. Máy này cũng sử dụng một lao động nhưng đánh rãnh nhanh gấp 30 – 40 lần so với một lao động thủ công; trong khi chi phí chỉ khoảng một phần ba so với lao động thủ công.
“Trong tháng 7 này, tôi sẽ hoàn thiện thêm 2 sáng kiến mới nữa, đó là máy tưới di động “3 trong 1” cho cây màu và máy bắt rầy xanh trên cây đậu bắp” – ông Tám Thơ khoe.
Nguồn: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn