Tiến bộ trong khai thác
Những năm qua, chúng ta đã nỗ lực đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả khai thác, giảm sức lao động, tăng thu nhập cho ngư dân. Đó là những cải tiến trong công nghệ khai thác cũng như trong bảo quản, chế biến sản phẩm.
Trong quá trình phát triển nghề khai thác, đã thay đổi theo xu hướng cải tiến công nghệ, đa dạng hóa loại hình đánh bắt. Nhiều ứng dụng khoa học kỹ thuật được áp dụng và mang lại hiệu quả cao, như: khai thác cá bằng lưới vây kết hợp sử dụng máy dò ngang sonar, giúp ngư dân phát hiện đàn cá từ xa, ước lượng được trữ lượng và hướng di chuyển đàn cá, để khai thác cả ngày lẫn đêm. Thực tế sử dụng máy dò ngang cho thấy sản lượng cá khai thác mỗi chuyến đi biển tăng 150 - 200%.
Cùng đó, công nghệ lưới chụp cá mực bốn tăng gông khai thác mực đại dương ở vùng biển xa bờ miền Trung đang được ứng dụng. Lưới chụp mực được làm bằng sợi tổng hợp, sử dụng 4 tăng gông gỗ để chăng lưới. Sử dụng ánh sáng, nhiệt độ để dụ mực đến và tiến hành đánh bắt đem lại sản lượng cao hơn 40 - 60%. Hiện, công nghệ đang được ứng dụng ở các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Quảng Nam…
Câu cá ngừ đại dương - Ảnh: Xuân Trường
Mô hình cải tiến lưới kéo tại Nam Định cũng được thực hiện tốt. Mô hình đã cải tiến miệng lưới giã của Trung Quốc phù hợp ngư trường vịnh Bắc Bộ để khai thác mực nang, giúp sản lượng khai thác tăng 15 - 30%. Ngoài ra, một số cải tiến kỹ thuật khác của ngư dân cũng đang được sử dụng hiệu quả, mang lại sản lượng khai thác cao, như: mô hình khai thác ghẹ bằng lồng bẫy ở Cát Bà - Hải Phòng; lưới vây ánh sáng kiêm vây ngày ở Quảng Bình, Quảng Trị; lưới giã tôm ở Quảng Ninh; bẫy ốc hương; câu rạn và lưới rê ở Đà Nẵng; chuyển đổi nghề vây rút chì sang câu cá ngừ đại dương ở Quảng Nam….
Ngoài ra, vấn đề ứng dụng cải tiến công nghệ đã có thì trong thực tế sản xuất lại có những phát minh sáng chế mang hiệu quả thiết thực, điển hình là máy thu lưới thủy lực do ngư dân Lê Phước Hoàng (Bà Rịa - Vũng Tàu) sáng chế. Có thể điều khiển bánh quay (mâm thu lưới) theo ý muốn và tăng tốc độ thu lưới hợp lý theo yêu cầu công việc. Giảm 30% nhân lực trên tàu, rút thời gian thu lưới xuống 4 - 5 lần, giúp tàu cá tăng gấp đôi mẻ lưới khai thác trong ngày, nhờ đó thu nhập của ngư dân tăng 1,5 - 1,7 lần. Hiện, phát minh này đã được ứng dụng rộng rãi ở các tỉnh Quảng Trị, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Bình Thuận, Quảng Bình.
Song hành với những cải tiến, phát minh khoa học công nghệ trong nước vào khai thác, việc du nhập các công nghệ khai thác mới ở các nước khác trong khu vực cũng được thực hiện, như: nghề câu cá ngừ đại dương (từ Nhật, Đài Loan, năm 1992). Trên cơ sở cập nhật ứng dụng (như: xác định mùa vụ, độ sâu thả câu, nhiệt độ nước thích hợp khi cá ăn mồi…), ngư dân còn có sáng kiến cải tiến mồi câu (từ cá chuồn sang cá mực) giúp tăng năng suất, sản lượng đánh bắt 150 - 180%. Năm 2012, Viện Nghiên cứu Hải sản đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu cải tiến tàu lưới vây mạn sang tàu lưới vây đuôi ở Việt Nam” dựa trên công nghệ khai thác cá ngừ hiện đại bằng lưới vây đuôi của Philippines, hy vọng thời gian tới kết quả nghiên cứu sẽ được ứng dụng, đem lại hiệu quả cao.
Tiến bộ trong bảo quản sản phẩm
Ngoài sự phát triển trong công nghệ khai thác thì việc ứng dụng công nghệ bảo quản sản phẩm khai thác tại chỗ cũng được thực hiện, như: Việc lắp máy sản xuất đá vảy trên tàu khai thác xa bờ của tỉnh Nam Định. Đá sản xuất từ nước biển có nhiệt độ thấp nên thời gian bảo quản dài, lượng đá dùng bảo quản giảm 1/2, sản phẩm bảo quản đạt vệ sinh, chất lượng, đáp ứng yêu cầu chế biến xuất khẩu.
Bảo quản đúng cách giúp tăng chất lượng sản phẩm
Cũng trong lĩnh vực bảo quản, đội tàu cá Thanh Hóa có sáng kiến lắp đặt loại xốp cách nhiệt không bị ngấm nước trong hầm cách nhiệt trên tàu, giúp bảo quản tốt hơn. Cá sau khi khai thác được ướp đá trong các khay nhựa chuyển vào hầm, tránh bị giập nát và tiện lợi trong việc bốc xếp. Cách bảo quản này đang được ứng dụng tại hầu hết các tàu cá và đã giảm ½ược lượng cá kém chất lượng sau khi bảo quản.
Tuy đã đạt nhiều thành tựu nhưng nghề khai thác thủy sản nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, bởi nghề cá nước ta là nghề cá nhỏ, đa loài, đa ngư cụ và ngư dân ít vốn nên khó phát triển thành các tập đoàn lớn để khai thác biển khơi; mặt khác, khai thác còn đơn lẻ, tính liên kết cộng đồng chưa cao. Do vậy rất cần được sự đầu tư, hỗ trợ từ Nhà nước và các cơ quan chuyên môn để nghề khai thác thủy sản phát triển bền vững.
>> Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Cao Đức Phát: Để nâng cao hiệu quả khai thác với tiêu chí "hiệu quả, an toàn, xa khơi", tổ chức lại sản xuất là một trong những nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi ngành thủy sản có những chính sách cụ thể, đem lại hiệu quả cho ngư dân và phát triển nghề khai thác thủy sản bền vững. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn