Theo chỉ dân của cán bộ Trung tâm KN-KN Kiên Giang, tôi tìm về thị trấn Gò Quao (huyện Gò Quao, Kiên Giang), nơi có một số hộ nông dân đang sử dụng thử nghiệm phân bón sinh học Bồ Đề 688 trên cây lúa vụ HT. Ruộng lúa đang trong thời kỳ trổ bông, phấn theo gió tỏa hương thơm ngào ngạt.
Ông Bảy Dũng (Đỗ Đăng Dũng) ở ấp Phước Lập Thành, thị trấn Gò Quao chỉ tay về đám ruộng của mình phấn khởi nói: “Bông lúa to và dài như thế này thì chắc chắn vụ này thắng to rồi”. Ông Bảy Dũng là một trong số những hộ nông dân ở đây mạnh dạn thử nghiệm phân bón sinh học Bồ Đề 688 cho cây lúa.
Theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, ông Dũng sử dụng 5 lần phân bón Bồ Đề 688 cho ruộng lúa của mình. Lần đầu, bón lót khi làm đất xong. Còn lại 4 lần bón thúc vào các giai đoạn lúa 15 ngày, 35 ngày, trước và sau khi trổ bông. Kết quả cho thấy, mặc dù không cần bón phân chuồng như mọi năm nhưng cây lúa vẫn phát triển tốt, ít bị chết mộng do phèn đầu vụ.
Khi nhổ mạ để cấy dặm, rễ mạ ăn sâu, dài và trắng, chứng tỏ cây lúa sinh trưởng mạnh ngay từ đầu vụ. Do ruộng trũng nên lượng nước nhiều, các vụ trước, khi lúa vào giai đoạn 20-25 ngày thường xuất hiện các loại sâu ăn lá như sâu keo, sâu phao… phải phun xịt thuốc phòng trừ. Nhưng vụ này ruộng rất ít sâu, không phải tốn tiền phun xịt thuốc.
Không những thế, khi sử dụng phân bón sinh học Bồ Đề 688 cây lúa có màu xanh ổn định nên giảm được lượng phân bón hóa học rất nhiều. Các loại nấm bệnh cũng ít xuất hiện hơn. “Kết quả bước đầu của phân bón sinh học Bồ Đề 688 trên cây lúa như vậy là rất tốt. Tuy nhiên, phải chờ đến khi thu hoạch, năng suất cụ thể và chất lượng hạt lúa ra sao thì mới có thể hoạch toán hiệu quả kinh tế được”- ông Bảy Dũng nói.
Ông Phù Khí Nguyên, PGĐ Trung tâm KN- KN Kiên Giang cho biết, phân bón sinh học Bồ Đề là sản phẩm mới đối với bà con nông dân ở Kiên Giang. Hiện tại, chúng tôi mới chỉ hướng dẫn cho bà con sử dụng thử nghiệm trên một số loại cây trồng. Tuy chưa hết vụ nhưng kết quả bước đầu cho thấy loại phân này có tác dụng khá tốt. Ngoài cho hiệu quả trên cây lúa, Bồ Đề 688 còn phù hợp bón các loại cây rau màu, cây ăn trái, cây kiểng... Khi được bón phân này, cây phát triển mạnh, lá xanh và giữ màu rất lâu. Cây ra hoa và đậu trái nhiều hơn.
Sử dụng phân sinh học Bồ Đề 688 cho cây chè tại Nông trường chè Phú Thọ năng suất tăng 300% (ảnh so sánh cây chè có sử dụng Bồ Đề 688 và không sử dụng Bồ Đề 688)
Tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Hữu, Chủ nhiệm HTXNN Quan Âm, xã Bắc Hồng, huyện Đông Anh cho biết: HTX vừa trình diễn mô hình 1 ha sử dụng phân sinh học Bồ Đề 688 trên rau (bó xôi, bí xanh, đậu bắp, mướp, cà pháo, rau ăn lá…) của 17 hộ xã viên, kết quả như sau:
Sau thời gian sử dụng phân bón Bồ Đề 688 + NPK Hữu Cơ, đất trồng tơi xốp, nhiều mùn, khả năng chống chịu của cây tốt, lượng thuốc BVTV dùng rất ít và gần như không cần sử dụng, năng suất cây trồng tăng 15-30% (so với trước kia bón các loại phân khác), lượng bón NPK giảm được 50%, hiệu quả kinh tế tăng cao. Đảm bảo sản phẩm cuối cùng đạt tiêu chuẩn sạch và an toàn đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
HTX Quan Âm tính toán khá khách quan về giá thành và chi phí SX từ 17 hộ sử dụng phân bón Bồ Đề 688 + NPK Grow như sau: Đơn giá vật tư (tính trên diện tích 1 sào (360 m2) và thời gian 25-30 ngày/vụ), cụ thể: NPK Supe Lâm Thao: 9.000 đ/kg. NPK Văn Điển: 9.300 đ/kg. Đạm: 12.000 đ/kg. Lân: 3.700 đ/kg. Kali: 14.000 đ/kg. Bồ Đề 688: 135.000 đ/lít. NPK Grow Mix: 10.500 đ/kg. Thuốc BVTV: 25.000 đ/lần phun.
Qua so sánh cho kết quả như sau:
Bón NPK supe: 15 kg/sào (360 m2/vụ), thuốc BVTV phun 2 lần; tổng chi phí hết 185.000 đ (chưa bao gồm bón thúc 1 kg kali + 3 kg đạm).
Bón NPK Văn Điển: 15 kg/sào (360 m2/vụ), thuốc BVTV phun 2 lần; tổng chi phí hết 189.500 đ (chưa bao gồm bón thúc 1 kg kali + 3 kg đạm).
Riêng bón từng loại đạm: Đạm 8 kg + lân 15 kg + kali 5 kg, thuốc BVTV phun 2 lần; tổng chi phí hết 211.000 đ (chưa bao gồm bón thúc 1 kg kali + 3 kg đạm).
Phân Bồ Đề 688 + NPK Grow: Bồ Đề 688 180 ml x 2 lần = 360 ml, NPK Grow 8 kg; tổng chí phí hết: 132.600 đ (không cần bón thúc 1 kg kali + 3 kg đạm).
Như vậy rõ ràng dùng Bồ Đề 688 cho 1 sào giảm được từ 28-37% chi phí SX. Theo ông Nguyễn Văn Hữu, với diện tích rau sạch các loại trên địa bàn huyện Đông Anh khoảng 1.000 ha (28 sào = 1 ha) thì mỗi vụ có thể tiết kiệm được khoảng 2 tỷ đồng, như vậy 1 năm sẽ tiết kiệm được số tiền trên 20 tỷ đồng.
Tại Thanh Hóa phân bón Bồ Đề 688 cũng được xử lý bệnh khô miệng cạo cây cao su tại Nông trường Phúc Do, huyện Cẩm Thủy cho kết quả khá bất ngờ. Trước đó, một số cây cao su bị khô miệng cạo, không có mủ gần 2 năm, Nông trường đánh dấu theo dõi quá trình xử lý Bồ Đề 688. Sau đó được xử lý bằng cách dùng Bồ Đề 688 pha theo tỉ lệ (1:160) tưới gốc, miệng cạo. Kết quả sau 12 ngày đã có mủ chất lượng tốt trở lại.
Ông Lê Hữu Dụ, PGĐ Nông trường Phúc Do nhận xét: “Đây là những cây xấu nhất tôi đã đánh dấu, bị mùn vỏ, khô miệng cạo, không có mủ vậy mà sau 12 ngày sử dụng Bồ Đề 688 đã thấy mủ trở lại”. Những hộ tham gia và các gia đình lân cận nông trường đều nhận định là đã xử lý rất nhiều loại thuốc, tốn kém nhưng không cho kết quả. Nếu việc áp dụng Bồ Đề 688 thành công các hộ gia đình sẵn sàng đầu tư áp dụng.
Phân bón sinh học Bồ Đề 688 là sản phẩm của liên doanh giữa Cty CP Nông nghiệp công nghệ cao và Cty Bạch Đằng (Bộ Công an). Qua quá trình khảo nghiệm cũng như đưa vào SX đại trà, phân bón Bồ Đề 688 đã chứng minh được tính ưu việt, thích hợp với nhiều loại cây trồng; kể cả dưới nước và trên cạn, dùng được cả cho bón lót trước khi xuống giống và bón thúc giúp cây sinh trưởng phát triển. Ngoài ra, phân bón Bồ Đề 688 còn có khả năng cải tạo đất, giúp giảm đáng kể lượng phân bón hóa học trong quá trình SX, nâng cao chất lượng nông sản và thu nhập cho bà con nông dân. |
PGS. TS Tạ Minh Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp VN nhận xét: Phân bón sinh học Bồ Đề 688 đã được cơ quan chuyên môn và các địa phương thử nghiệm trên nhiều loại cây trồng, cho kết quả khá tốt. Đây là loại phân bón có chứa nhiều axit amin, men sinh học, các chất vi lượng, kích thích tăng trưởng cây trồng. Ngoài chức năng cung cấp dinh dưỡng trực tiếp cho cây, Bồ Đề 688 còn có chức năng cải tạo đất. Khi các vi sinh vật trong đất có môi trường hoạt động tốt, chúng sẽ làm cho đất tơi xốp, tăng độ phì nhiêu.
Đối với cây lúa, khi môi trường không thuận lợi sẽ làm cho dịch bệnh gia tăng, đặc biệt là môi trường đất, khí hậu. Chẳng hạn như bệnh lùn sọc đen, các nhà khoa học đều khẳng định bệnh này do virus gây nên và rầy nâu chính là đối tượng lây truyền. Tuy nhiên, qua nghiên cứu cho thấy, bệnh này vẫn có thể lây truyền, phát triển ngay cả trong môi hoàn toàn không có rầy.
PGS. TS Tạ Minh Sơn thăm ruộng lúa được bón phân sinh học Bồ Đề 688
Thử nghiệm cho thấy, trong những môi trường có độ kiềm cao (độ PH lớn), cây lúa sẽ khó phát triển, rễ đen, cây lùn thấp… giống như triệu chứng của bệnh lùn sọc đen. Tuy nhiên, khi trong đất có nhiều vi sinh vật hoạt động, chế độ dinh dưỡng tốt thì các triệu chứng kể trên sẽ giảm, thậm chí là không xuất hiện.
NGỌC THẮNG - Đ.T.CHÁNH
Nguồn:nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn