Hàng năm, công tác tiêm phòng trên đàn gia súc, gia cầm được tổ chức thành 02 đợt chính trong năm gồm: Vụ Xuân - Hè (tháng 3-5), vụ Thu - Đông (tháng 9,10) và thời điểm này, trên địa bàn Hà Tĩnh đã bắt đầu bước vào tiêm phòng đợt 1/2019.
Để phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm hiệu quả, năm nay, Hà Tĩnh đã đổi mới công tác tiêm vắc-xin phòng bệnh nhằm nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương cũng như đảm bảo tính hiệu quả, đạt tỷ lệ cao. Trong công tác tiêm phòng cho đàn gia súc gia cầm, trước đây tỉnh giao cho các địa phương tự rà soát các loại gia súc, gia cầm, sau đó đưa ra chỉ tiêu số lượng cụ thể phải bắt buộc tiêm các loại vắc xin phòng bệnh. Tuy nhiên, năm nay, do tổng đàn vật nuôi thường xuyên biến động nên tỉnh yêu cầu các địa phương chủ động rà soát và thực hiện tiêm phòng theo phần trăm tổng đàn.
Cụ thể, đối với bệnh lở mồm long móng, tiêm phòng đạt miễn dịch bảo hộ trên 85% tổng đàn trâu, bò, và tổng đàn lợn nái, đực giống, tại khu vực có ổ dịch cũ và địa bàn có nguy cơ cao. Đối với các bệnh khác như: Tụ huyết trùng trâu bò, dịch tả, tụ huyết trùng lợn… tiêm phòng đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn gia súc, gia cầm tại khu vực có ổ dịch cũ, địa bàn có nguy cơ cao; cúm gia cầm tiêm phòng đạt tỷ lệ trên 85% tổng đàn thuộc diện tiêm tại các xã, phường, thị trấn; riêng tiêm phòng dại động vật phải đạt tỷ lệ trên 85% tổng đàn.
Các cán bộ thú y cơ sở đã tiến hành tiêm phòng đợt 1/2019
Việc giao chỉ tiêu trên sẽ sát với tình hình thực tế chăn nuôi của từng địa phương để từ đó các địa phương có sự chủ động, nâng cao trách nhiệm trong công tác tiêm phòng gia súc, gia cầm. Theo kế hoạch chung, lịch tiêm phòng bắt đầu 1/4 đến 30/5 năm 2019. Thời điểm này, các xã đã tiến hành rà soát chính xác tổng đàn và đã tổ chức tiêm. Song song với đó là việc tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng thú y cấp cơ sở để nâng cao chất lượng tiêm phòng.
Ông Trần Công Tiến - Trưởng phòng Dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Tĩnh cho biết: “Việc đổi mới về cách giao chỉ tiêu của tỉnh không nằm ngoài mục tiêu tất cả các loại gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh đều được tiêm phòng dịch bệnh. Quan trọng hơn là các địa phương thể hiện được vai trò, trách nhiệm để công tác tiêm phòng dịch bệnh đạt kết quả cao.”
“Về cơ chế hỗ trợ vắc-xin tụ huyết trùng trâu bò, tụ huyết trùng lợn, cúm gia cầm, dại chó (theo Nghị quyết 123/2018 của HĐND tỉnh) hiện chưa mua sắm kịp; vắc xin LMLM hỗ trợ của trung ương và tỉnh cũng đang trong giai đoạn làm thủ tục theo quy định. Vì vậy, để đảm bảo đúng tiến độ kế hoạch tiêm phòng bệnh gia súc, gia cầm đợt 1/2019, các địa phương chủ động triển khai, người chăn nuôi tự bỏ kinh phí tiêm trước đối với các loại bệnh tụ huyết trùng trâu bò, tụ huyết trùng lợn, cúm gia cầm và dại chó. Còn tiêm phòng bệnh LMLM sẽ tổ chức sau khi có vắc xin từ nguồn hỗ trợ” ông Tiến cho biêt thêm.
Trước tình hình diễn biến phức tạp dịch bệnh trên gia súc, gia cầm trong thời gian qua, ngoài sự chỉ đạo của các cơ quan cấp tỉnh thì vai trò của cán bộ cơ sở trong phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc là rất quan trọng, đặc biệt là công tác tuyên truyền đến tận cơ sở, các hộ chăn chăn nuôi trên địa bàn để từ đó nâng cao ý thức cho người dân, tránh việc chủ quan dẫn đến hiệu quả tiêm phòng thấp và nguy cơ dịch bệnh xẩy ra.
Vì vậy, các cấp, ngành chuyên môn tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi, đôn đốc các địa phương để đánh giá rõ kết quả công tác tiêm phòng dịch bệnh gia súc, gia cầm; tham mưu, báo cáo các địa phương làm chưa tốt để kịp thời xử lý theo quy định đảm bảo cho công tác tiêm phòng đạt kết quả, hiệu quả cao nhất./.
Theo Nguyễn Hoàn/sonongnghiep.hatinh.gov.vn