Bài 1: Những thành công bước đầu Theo Viện Di truyền nông nghiệp (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam), nước ta đang tiến hành khảo nghiệm cả trên diện rộng và hạn chế 7 giống ngô biến đổi gen (BĐG). Kết quả cho thấy, các giống ngô BĐG đều phát huy một số đặc tính nổi trội như kháng chịu sâu bệnh, thuốc diệt cỏ và cho năng suất cao. An toàn với sản xuất nông nghiệp? Trong 2 năm (2010 - 2011), Trung tâm Thực nghiệm sinh học nông nghiệp công nghệ cao (Viện Di truyền nông nghiệp) đã tiến hành khảo nghiệm đánh giá ảnh hưởng của giống ngô biến đổi gen MON 89034 và NK603 do Công ty Dekalb Việt Nam đăng ký. Theo nhóm nghiên cứu, kết quả thu được cho thấy, ngô MON 89034 và NK603 có các đặc điểm sinh trưởng, phát triển và tính mẫn cảm với bệnh hại ngô tương tự giống ngô không chuyển gen, không có biểu hiện nguy cơ trở thành cỏ dại, dịch hại hay xâm lấn môi trường đa dạng sinh học. Việc khảo nghiệm giống ngô biến đổi gen NK66Bt11x GA21 do Công ty Syngenta Việt Nam và Công ty Pioneer Hi-Bred Việt Nam cung cấp cũng cho kết quả tích cực, nghĩa là giống này không thể hiện nguy cơ trở thành cỏ dại hay dịch hại nông nghiệp. Đồng thời, quá trình khảo nghiệm cũng chưa ghi nhận nguy cơ giống ngô này gây ra thay đổi bất lợi đến hệ sinh thái trong khu vực. PGS.TS. Nguyễn Văn Tuất, Chủ tịch Hội đồng An toàn sinh học ngành nông nghiệp và PTNT cho biết, mọi tiến trình khảo nghiệm đến nay đều thực hiện khá suôn sẻ. Các số liệu khảo nghiệm được ghi nhận một cách khách quan, trung thực, đáng tin cậy; việc quản lý rủi ro và giám sát khảo nghiệm sinh vật BĐG cũng được thực hiện nghiêm túc. Với những kết quả ban đầu này, các công ty đều đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận kết quả khảo nghiệm. Theo PGS.TS. Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp, nếu nhanh chóng đưa cây trồng BĐG vào sản xuất thì đây sẽ là cơ hội tốt cho ngành nông nghiệp nước nhà. Ngoài ra, công nghệ BĐG còn hứa hẹn bổ sung cho cây trồng nhiều đặc tính khác như: kháng hạn, mặn, ngập, các loại sâu bệnh khác... Nếu có cơ chế phù hợp để khảo nghiệm, đánh giá rủi ro và triển khai công nghệ này thì sẽ tạo điều kiện cho nông nghiệp nước ta tiếp nhận công nghệ mới mà thế giới đã và sẽ phát triển trong thời gian tới. Tuy nhiên, GS.TS. Trần Hồng Uy, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu ngô cho rằng: "Để đưa ra kết luận giống ngô BĐG có an toàn với sinh thái, môi trường hay không, chúng ta phải khảo nghiệm ít nhất 3 - 6 vụ. Trước đây, có những nghiên cứu của chúng tôi phải khảo nghiệm tới 9 vụ và liên tiếp có kết quả khả quan mới được công nhận, áp dụng sản xuất đại trà". Chưa nên vội vàng Thống kê cho thấy, năm 2011, các nước trên thế giới đã trồng 160 triệu hecta cây trồng BĐG, nhiều gấp 40 lần diện tích trồng lúa của nước ta, với 29 quốc gia đã trồng. Đơn cử như Philippines, quốc đảo này đã đưa giống cây BĐG vào trồng và sử dụng từ năm 2005 và cho đến nay, người ta chưa thấy có hiện tượng gì đặc biệt ảnh hưởng tới sức khỏe con người, đa dạng sinh học hay môi trường. Tuy nhiên, với một nước có nền nông nghiệp đi sau thế giới hàng chục năm như Việt Nam thì đa số các nhà khoa học đều cho rằng, chúng ta cần thận trọng và không nên vội vàng công nhận kết quả khảo nghiệm, cũng như thương mại hóa cây trồng BĐG. Theo GS. Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam, các kết quả khảo nghiệm tuy có triển vọng nhưng chưa đủ điều kiện để kết luận các giống ngô BĐG hoàn toàn an toàn với sản xuất nông nghiệp và sức khỏe con người, mà vẫn phải làm khảo nghiệm tiếp. "Không một công nghệ nào không có rủi ro và cần phải có một đơn vị giám sát chặt chẽ", ông Hàm nhấn mạnh. Ghi nhận những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Bùi Bá Bổng cho biết: "Đây mới chỉ là kết quả khảo nghiệm bước đầu, chúng ta vẫn còn 4 bước khảo nghiệm nữa, trong đó sẽ tiến hành đánh giá tới góc độ an toàn sức khoẻ của cây trồng BĐG với vật nuôi, con người để đi tới quyết định tiến hành sử dụng giống BĐG đại trà hay không".
Thiên Hương Nguồn:kinhtenongthon.com.vn |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn