Hộ nuôi lợn xã Yên Lợi (Ý Yên) sử dụng thiết bị cho ăn bán tự động. |
Thời gian qua, tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng lên, góp phần nâng cao giá trị hàng hóa nông sản, thực phẩm và lợi nhuận trên một đơn vị diện tích canh tác. Các địa phương đã tích cực vận động khuyến khích nông dân đưa máy móc vào các lĩnh vực sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nhằm giải phóng và tiết kiệm sức lao động thủ công, giảm chi phí sản xuất, giải quyết một phần tình trạng thiếu hụt lao động và nâng cao thu nhập cho nông dân. Cơ giới hóa được triển khai nhiều trong lĩnh vực trồng trọt, đặc biệt là trong sản xuất lúa. Hằng năm, tổng diện tích gieo trồng trên địa bàn tỉnh ước đạt gần 200 nghìn ha, trong đó diện tích lúa cả năm đạt trên 150 nghìn ha. Tính đến nay, toàn tỉnh có trên 4.200 máy kéo, 911 máy gặt đập liên hợp, 116 máy gặt rạch hàng, 3.810 máy sạ lúa, 3.443 máy xay xát gạo, gần 100 máy sấy nông sản và lâm sản, 12.400 máy phun thuốc BVTV, 5.362 xe vận chuyển, 22.500 chiếc máy bơm nước… Những năm gần đây, trong sản xuất lúa, cơ giới hóa khâu làm đất đạt 100%, khâu chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đạt trên 50%, thu hoạch đạt trên 80%, khâu vận chuyển gần 90%. Xuân Trường là một trong những địa phương đứng đầu toàn tỉnh về cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Đồng chí Trần Tùng, Trưởng Phòng NN và PTNT huyện cho biết: Cùng với cơ chế hỗ trợ của Trung ương và tỉnh, huyện tích cực hỗ trợ các cá nhân, tổ chức đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng cơ giới hóa các khâu sản xuất. Đây cũng là tiền đề để thực hiện xây dựng cánh đồng lớn nói riêng, sản xuất nông sản hàng hóa nói chung. Toàn huyện có 310 máy làm đất, 105 máy gặt đập liên hợp, 21 dàn máy phun thuốc trừ sâu, 414 dàn công cụ sạ hàng, 250 máy bơm nước; đã cơ giới hoá: 100% khâu làm đất, 90% khâu thu hoạch, gieo sạ ở vụ xuân đạt 70% diện tích, vụ mùa đạt trên 20% diện tích. Giá trị thu nhập trên 1ha đất canh tác của Xuân Trường đạt trên 105 triệu đồng/năm. Không chỉ ở lĩnh vực trồng trọt, trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều trang trại, gia trại ở các địa phương trong tỉnh đã ứng dụng cơ giới hóa. Một số trang trại chăn nuôi đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ chuồng kín (chuồng lạnh) vào sản xuất như: trang trại nuôi lợn thịt của ông Vũ Trọng Nghĩa ở xã Hải Lộc (Hải Hậu); trang trại nuôi gà đẻ của ông Nguyễn Văn Công ở xã Hải Xuân (Hải Hậu); trang trại chăn nuôi gà thịt của ông Trần Văn Tấn ở xã Hiển Khánh (Vụ Bản)… Ở các trang trại chăn nuôi lợn thịt thường sử dụng hệ thống máng ăn tự động cho lợn. Hầu hết các trang trại, gia trại sử dụng thiết bị núm uống tự động cho lợn, gà, vừa tiết kiệm nước vừa tập cho vật nuôi có thói quen uống nước và vệ sinh ở một chỗ, đảm bảo cho vật nuôi phát triển tốt. Theo thống kê của Sở NN và PTNT, các hộ chăn nuôi sử dụng 515 máy nghiền, trộn thức ăn cho gia súc; 60 máy chế biến thức ăn thô (băm, thái cỏ, đóng bánh rơm); trên 100 máy làm mát chuồng nuôi gia súc, gia cầm; hơn 600 máy và thiết bị cho ăn bán tự động, uống tự động cho gia súc, gia cầm. Các hệ thống được cơ giới hóa có tính ứng dụng cao, nâng cao năng suất lao động, không lãng phí nguyên liệu. Không những thế, việc đưa cơ giới hóa trong chăn nuôi đã giúp giảm nhân công lao động, nâng cao năng suất chăn nuôi. Nhờ đó thúc đẩy ngành chăn nuôi của tỉnh chuyển dịch nhanh từ tận dụng, nhỏ lẻ, phân tán sang sản xuất hàng hoá quy mô trang trại, gia trại theo phương thức công nghiệp. Ngoài cơ giới hóa trồng trọt và chăn nuôi, hiện cơ giới hóa trong nuôi trồng thủy sản cũng được đẩy mạnh với tỷ lệ: 60% chế biến thức ăn, 30% sục khí ao đầm nuôi công nghiệp, trên 50% cung cấp nước, 25,7% vệ sinh ao đầm. Về tỷ lệ cơ giới hóa trong ngành muối là: sản xuất nước chạt 50%, thu gom và vận chuyển 50%, kho bảo quản muối 66,7%.
Để có được những kết quả khả quan trên, liên tục trong nhiều năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp và các sở, ngành chức năng triển khai nhiều giải pháp, chương trình hỗ trợ đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất nông nghiệp như: hỗ trợ kinh phí cho bà con nông dân mua máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp; tổ chức cho các Cty sản xuất, cung cấp thiết bị tổ chức trình diễn ngay trên đồng ruộng giúp bà con các địa phương tiếp cận những máy móc, thiết bị tốt, phù hợp với điều kiện sản xuất. Tiêu biểu trong các cơ chế, chính sách, giải pháp khuyến khích phát triển cơ giới hóa nông nghiệp của tỉnh là Quyết định số 10/2008/QĐ-UBND về “Quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp đối với hoạt động khuyến khích phát triển một số ngành nghề nông thôn tỉnh Nam Định”. Hằng năm, Sở NN và PTNT căn cứ nhu cầu máy và thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy sản và chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản của các huyện, thành phố, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện. Phối hợp với các huyện, thành phố lựa chọn các mô hình khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn đáp ứng các yêu cầu và điều kiện quy định... Thường xuyên giám sát, đôn đốc phát triển lĩnh vực cơ điện nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cơ giới hóa nông nghiệp. Sau gần 10 năm thực hiện Quyết định số 10, UBND tỉnh đã hỗ trợ 405 mô hình khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn; cụ thể là: 154 máy làm đất, 14 máy cấy, 33 máy gặt, 19 máy cơ giới hóa nuôi trồng thủy sản, 14 kho lạnh… Từ việc đầu tư cơ giới hóa đã góp phần làm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi ước tính từ 10-15%; giảm tổn thất sau thu hoạch từ 2-3%, bảo đảm tính thời vụ, nâng cao chất lượng nông sản và tăng thu nhập cho người lao động. Trong thời gian tới, Sở NN và PTNT tiếp tục phối hợp với các địa phương đôn đốc thực hiện việc đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp, tiến tới thay thế các máy có công suất thấp dưới 12 mã lực bằng các loại máy công suất cao mang lại hiệu quả hơn. Phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức tập huấn về sửa chữa máy móc, an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ cho nông dân và những người thường xuyên làm việc với máy nông nghiệp. Xác định lợi thế của từng vùng, từng địa phương lựa chọn loại hình máy móc, thiết bị phù hợp với cây, con, ngành nghề cụ thể. Xây dựng kế hoạch, lộ trình phát triển số lượng, chủng loại máy phù hợp, từng bước đồng bộ quá trình cơ giới hóa theo từng khâu trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Hình thành các tổ chức dịch vụ cơ giới ở nông thôn, phân công lại lao động để nâng cao hiệu quả của việc ứng dụng cơ giới hóa. Tuyên truyền đến từng người dân các cơ chế, chính sách hỗ trợ liên quan của Nhà nước. Tăng cường công tác chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về cơ điện nông nghiệp thông qua các mô hình khuyến công nông nghiệp…
Có thể nói cơ giới hóa nông nghiệp ở tỉnh ta đã có chuyển biến tích cực, từng bước phục vụ có hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp. Đây là bước tạo nền tảng vững chắc cho nông nghiệp của tỉnh bảo đảm hướng sản xuất hàng hóa và thực hiện thành công mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng NTM bền vững và phát triển./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh/baonamdinh.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn